20/01/2021 06:08
Vợ chồng ông Thạch Út, ấp Bào Mốt thu hoạch ớt.
Theo ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ các chương trình, chính sách, dự án của Chính phủ, của tỉnh đời sống của Nhân dân trong xã ngày càng nâng lên, vùng đồng bào Khmer chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương. Trong đó, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xác định giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, xã đã có nhiều giải pháp, định hướng những mô hình hiệu quả kinh tế cao để người dân áp dụng vào sản xuất, cụ thể các mô hình chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tại cánh đồng Năng và Trà Côn thuộc các ấp La Bang, Sơn Lang, Sóc Giụp, Long Hanh và Tân Lập; mô hình trồng màu trên đất giồng cát và đưa cây màu xuống chân ruộng của các ấp Ô Răng, Huyền Đức, Sóc Mới, Sóc Giụp và Bào Mốt với các cây trồng chủ lực đậu phộng, dưa hấu và một số cây màu thực phẩm khác… mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ở ấp Ô Răng; nuôi heo thịt, bò vỗ béo, gà thịt sử dụng đệm lót sinh học. Song song đó, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng đồng bào Khmer từng bước hoạt động có hiệu quả; đặc biệt công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hình thành trên địa bàn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.
Gia đình bà Thạch Sô Phia, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, cuộc sống gia đình chủ yếu nghề làm thuê. Theo bà Sô Phia, do hoàn cảnh khó khăn, các con còn nhỏ đang tuổi học tiểu học và trung học, thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào tiền làm thuê của chồng bà. Trong năm 2020, gia đình bà được địa phương hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng cùng với số tiền mượn của người thân bà xây dựng căn nhà kiên cố hơn. Hàng ngày, bà làm thuê theo mùa vụ, thu nhập 150.000 đồng/ngày, cắt cỏ nuôi 02 con bò rẻ và chăm sóc gia đình. Còn chồng bà làm thuê ở Bình Dương hàng tháng gửi tiền về phụ giúp gia đình và trả nợ ngân hàng. Tuy gia đình không khá giả nhưng với mức thu nhập từ việc làm thuê của vợ chồng bà hàng tháng hơn 07 triệu đồng nên chi tiêu hợp lý cuộc sống ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Gia đình ông Thạch Út ngụ ấp Bào Mốt thuộc diện hộ nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn vay để xây dựng nhà ở và vốn phát triển sinh kế. Theo ông Út, ngoài tiền vay vốn 10 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi bò sinh sản, ông còn thu nhập ổn định từ việc trồng màu trên diện tích 0,1ha và tiền làm thuê của 02 đứa con gửi về. Năm 2020 nhờ tiền tích lũy của con gửi về và tiền vay ngân hàng ông đã cất ngôi nhà mới khang trang hơn và vươn lên thoát nghèo. Hiện 0,1ha ớt chỉ thiên của ông đang cho thu hoạch trái chiến với giá bán 90.000 đồng/kg, giúp gia đình ông có nguồn thu nhập khá ổn định vào dịp cuối năm.
Trên cơ sở triển khai thực hiện nhiều giải pháp và thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả cho thấy kinh tế của xã không ngừng phát triển, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 12,5%, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Hiện xã có 365 hộ nghèo, trong đó có 246 hộ nghèo đồng bào Khmer, trong năm 2020, xã giảm 206 hộ nghèo vượt 01 hộ so với chỉ tiêu giao, trong đó, giảm 165 hộ nghèo Khmer và phát sinh thêm 09 hộ nghèo mới. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình mặn xâm nhập nên nông dân thất mùa hoặc giá bán nông thủy sản giảm mạnh đã làm giảm thu nhập của người dân. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh một số lao động địa phương đi làm ăn xa bị thất nghiệp nên dẫn đến hộ nghèo phát sinh mới.
Theo ông Thạch Ru La, kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer tuy có tập trung đầu tư, nhưng đời sống của một bộ phận người dân ở một số nơi vẫn còn nhiều khó khăn. Sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, trồng lúa, cây màu và chăn nuôi. Trong sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học chưa chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng sản xuất tự phát, chưa mang lại hiệu quả cao. Ngành chuyên môn từng lúc, từng nơi chưa có giải pháp tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động, chuyển đổi nghề…
Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi hiệu quả mô hình phát triển kinh tế của xã nói chung, vùng đồng bào Khmer nói riêng, thời gian tới, xã tiếp tục huy động các nguồn lực, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại để tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong vùng đồng bào Khmer. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, công chức và Nhân dân đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện. Xây dựng phương án, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm sản xuất, hướng dẫn các biện pháp canh tác phục vụ trồng trọt, chăn nuôi; kêu gọi các doanh nghiệp hướng dẫn về phương thức sản xuất tập trung với kỹ thuật canh tác mới, từng bước tăng năng suất, hiệu quả lao động; nhân rộng mô hình làm ăn có hiệu quả; vận động người dân tham gia vào các tổ chức kinh tế như tập thể để cùng giúp nhau sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Trong sản xuất gắn với chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhằm thực hiện các chương trình liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm hàng hóa của nông dân. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa; đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý thích hợp với từng vùng, từng địa phương; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hình thức quy mô trang trại.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.