13/08/2020 09:30
Nông dân Trần Rin thu hoạch bưởi.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu đạt hiệu quả, trước tiên xã phối hợp liên kết “4 nhà” để tiêu thụ hàng nông sản, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân hạn chế chi phí sản xuất, tăng năng suất, đạt lợi nhuận cao. Ông Huỳnh Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa cho biết: đất nông nghiệp trên địa bàn xã hơn 2.043ha, giá trị ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ kinh tế của xã. Năm 2015, giá trị sản xuất đạt khoảng 65 triệu đồng/ha/năm; thời điểm đó thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo toàn xã 558 hộ chiếm 18,42%.
Sau 05 năm tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, chọn cây con giống mới có chất lượng, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, giới thiệu việc làm lao động nông thôn (ở nước ngoài, các khu công nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh), khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển giải quyết lao động tại địa phương đã góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, xã thực hiện công tác rà soát, điều tra phân loại từng đối tượng hộ nghèo, có kế hoạch đầu tư vốn cho các hộ có điều kiện thoát nghèo, đồng thời phân công các ngành đoàn thể xã và các chi hội đoàn thể ấp phụ trách hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo trong quá trình sản xuất,...
Cùng với thực hiện chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả, với diện tích 54,4ha; nhiều diện tích chuyển đổi bước đầu tăng thu nhập của người dân từ 02 - 03 lần trên cùng đơn vị diện tích so với trước khi chưa thực hiện tái cơ cấu sản xuất.
Đặc biệt những năm gần đây, việc triển khai xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật, đảm bảo theo khung lịch thời vụ đạt kết quả quan trọng và hình thành không ít mô hình chuyển đổi vườn tạp, vườn dừa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, dừa sáp cấy mô,... bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các mô hình đã ứng dụng kỹ thuật trong canh tác, thực hiện khâu liên kết theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã nông nghiệp đã ký kết hợp đồng với các công ty bao tiêu sản phẩm. Đến nay, giá trị sản xuất trên cùng diện tích đạt 152,7 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đạt 50,42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,07%.
Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh kết hợp nuôi bò sinh sản của ông Trần Rin, ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa. Theo ông Rin, trước đây, hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất, kinh tế vườn tạp chủ yếu cây dừa. 03 năm trước, giá dừa sụt giảm và không ổn định, ông chuyển 0,4ha đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh.
Cũng trong thời gian này, gia đình ông được địa phương hỗ trợ vốn vay tín chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 10 triệu đồng nuôi bò sinh sản. Nhận thấy bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ khi xuống giống đến gần 03 năm sau cho thu hoạch, giá bán bưởi loại 1 từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Bình quân 0,4ha bưởi thu hoạch đạt 300kg/tháng, lợi nhuận 250 triệu đồng/năm và sản phẩm bưởi của gia đình ông được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Với ông Rin, những năm trước bưởi có giá cao ông tích cực chăm sóc để có bưởi thu hoạch hàng tháng, riêng năm nay giá bưởi sụt giảm khoảng 30.000 đồng/kg do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời tiết hạn, mặn kéo dài cây bưởi cho năng suất thấp nên năm nay ông xử lý chăm sóc bưởi thu hoạch từ 01 - 02 đợt/năm, đợt bưởi vừa qua, với 0,4ha, năng suất đạt 07 tấn, thu nhập 200 triệu đồng, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ bưởi da xanh, ông Rin còn có nguồn thu từ 0,6ha dừa.
Bên cạnh đó, xã xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, xã đã xây dựng 01 mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 27,5ha đang phát huy hiệu quả, đây cũng là sản phẩm chủ lực xã chọn xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Qua 05 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình hạn, mặn nhưng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ngành và toàn thể Nhân dân trong xã; tình hình kinh tế của xã đã vượt qua nhiều khó khăn, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển liên tục và toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của xã, thúc đẩy lộ trình xây dựng đạt 19/19 tiêu chí xã văn hóa - nông thôn mới.
Theo ông Huỳnh Kim Chung, kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch tuy đạt hiệu quả nhưng còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Do vậy, xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tập trung chỉ đạo chuyển đổi vườn tạp, diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu và các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, nhất là khai thác tốt diện tích đất giồng cát, phát triển mô hình trồng màu trong nhà lưới ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tăng cường công tác chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề lao động nông thôn khác, phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2020.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.