28/03/2024 14:41
Nông dân ấp Phú Nhiêu, xã Mỹ Chánh thu hoạch đậu bắp.
Xã Mỹ Chánh có diện tích tự nhiên hơn 2.666ha, trong đó, diện tích nông nghiệp chiếm 89,27%. Xã có 08 ấp, có 3.104 hộ, với 11.035 nhân khẩu, dân tộc Khmer chiếm hơn 37% so tổng số hộ. Tính đến cuối năm 2023, xã còn 66 hộ nghèo, chiếm hơn 02% và 98 hộ cận nghèo, chiếm hơn 03% so tổng số hộ.
Người dân xã Mỹ Chánh đa phần sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, số còn lại mua bán nhỏ, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của UBND xã, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận trong Nhân dân tích cực tham gia các phong trào, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao các tiêu chí NTM của xã, tập trung XDNTM nâng cao.
Đồng chí Trần Thanh CuiLine, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy xã Mỹ Chánh cho biết: thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” xã quan tâm chỉ đạo các ấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân về quy chế dân chủ, vận động phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế, các tập thể, cá nhân xây dựng những mô hình thiết thực, phù hợp với điều kiện, phát huy tính tích cực trong phát triển sản xuất. Nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán sản xuất truyền thống kém hiệu quả, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích tăng gia sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng. Phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Thay đổi phương thức, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ chuyển sang kinh tế tập thể, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tận dụng khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Các mô hình hiệu quả: nuôi bò sinh sản; vận động thanh niên xuất khẩu lao động; vận động người dân và ĐVTN tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn… đã góp phần ổn định đời sống, tăng trưởng kinh tế ở địa phương.
Xác định việc làm là nhu cầu cấp thiết của lực lượng ĐVTN tại địa phương, có việc làm ổn định góp phần phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, phần lớn lao động nông thôn chưa qua đào tạo. Từ đó, UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
Đồng chí Lâm Thị Sáu, công chức Văn phòng - Thống kê Đảng ủy xã Mỹ Chánh cho biết: đa số ĐVTN là lực lượng lao động chính trong gia đình nên không có thời gian tham gia các lớp đào tạo tại địa phương. Từ thực tế của địa phương, năm 2023, Xã Đoàn chọn, đăng ký thực hiện mô hình “Vận động người dân và ĐVTN tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Xã Đoàn Mỹ Chánh chỉ đạo các Chi đoàn ấp rà soát lực lượng lao động của ấp chưa qua đào tạo nghề báo cáo về Xã Đoàn nắm để tham mưu với UBND xã mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lực lượng ĐVTN địa phương. Tuyên truyền, vận động người dân lợi ích khi tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn, như: được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp đào tạo hoặc chứng nhận nghề, được hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện học tập thích hợp với điều kiện lao động nông thôn để người dân và ĐVTN có thời gian lao động, ổn định cuộc sống.
Ban Chấp hành Xã Đoàn đã tập trung triển khai và vận động ĐVTN đăng ký tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn được tổ chức tại địa phương. Kết quả, năm 2023, Xã Đoàn phối hợp với UBND xã mở 01 lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn tại ấp Phú Nhiêu, có 29 học viên tham gia. Qua đào tạo, học viên nắm vững một số kỹ thuật về trồng rau an toàn, chất lượng và phù hợp với điều kiện nông nghiệp tại địa phương. Từ đó, sản phẩm an toàn được thu mua với giá ổn định, kinh tế phát triển, tạo thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật, ngày công lao động, thực hiện tốt công tác từ thiện, xã hội. Nhiều phong trào đã mang tính giáo dục cao, ý thức cộng đồng được nâng lên. Ngày càng nhiều người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thu gom rác thải, chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm… thông qua các mô hình: “Tổ nhân ái hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, “Tổ tương thân, tương ái”, “ Cựu chiến binh cùng Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế”, “Chung tay bảo vệ môi trường và chăm sóc đoạn đường hoa Tỉnh lộ 912”, “Vận động, tập hợp thanh niên tham gia vệ sinh môi trường”, “Chi hội Phụ nữ ấp Phú Nhiêu vận động hội viên tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện”, “Thu gom, xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân xã”, “Nuôi heo đất giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn”… từ đó có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả được lan tỏa, nhân rộng.
Đồng chí Trần Thanh CuiLine cho biết thêm: nhiều mô hình được tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện ở chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại chi bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao các tiêu chí XDNTM.
Từ những việc làm thiết thực của tập thể, cá nhân ở các phong trào, mô hình của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau ở cộng đồng dân cư, xây dựng cuộc sống mới văn minh, giàu đẹp.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.