12/07/2024 16:04
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của nông dân Kim Thùng.
Đồng chí Lâm Văn Tạo, công chức nông nghiệp xã Ngũ Lạc cho biết: cây trồng chủ lực của địa phương là cây lúa, đậu phộng và cây ớt, với 1.650ha. Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triễn bền vững; Quyết định số 1767/QĐ-UBND, ngày 18/9/2013 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc ban hành Chương trình hành động của tỉnh thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xã Ngũ Lạc đã triển khai xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.
Đến nay, xã đã vận động Nhân dân chuyển đổi 102ha từ đất nuôi tôm quảng canh sang nuôi thâm canh, thâm canh mật độ cao; 401ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của xã. Riêng những tháng đầu năm 2024, xã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu khoảng 23ha và chuyển đất nuôi tôm thâm canh sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao khoảng 5,4ha, tập trung ở ấp Mé Láng, Cây Xoài.
Đối với cây lúa, hàng năm xã xuống giống từ 02 - 03 vụ tùy theo điều kiện canh tác của từng vùng, bình quân mỗi vụ xuống giống khoảng 650ha. Còn lại một phần diện tích trồng lúa không đủ nước sản xuất, xã khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3, vận động chuyển sang trồng một số cây màu như ớt, bắp, bầu, bí... Đối với cây đậu phộng, nông dân áp dụng hệ thống tưới phun sương xuống giống khoảng 70ha; cây ớt ứng dụng hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt xuống giống khoảng 80ha. Diện tích cây trồng chủ lực của xã được áp dụng các biện pháp hệ thống tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước trên 54%/tổng diện tích. Gần đây, người dân thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu xanh bình quân khoảng 40ha/năm, đem lại lợi nhuận cao.
Ngoài ra, xã tập trung chỉ đạo vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: nuôi tôm công nghệ cao, trồng rau an toàn trong nhà lưới, nuôi bò sinh sản của dự án hỗ trợ, mô hình ươm cây giống, mô hình tổ hợp tác đan sản phẩm bằng dây nhựa,... qua đó, giúp thành lập 03 hợp tác xã với 176 thành viên và 29 tổ hợp tác với 399 thành viên.
Nông dân Thạch Lý Hùng, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc đã phát huy thế mạnh, tiềm năng đất đai của gia đình chuyển đổi sang nuôi tôm, trồng màu, trồng lúa kết hợp với nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với điều kiện đất đai phù hợp để chuyển đổi, 05 năm gần đây ông chuyển 0,4ha đất lúa sang nuôi tôm thâm canh đem lại lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng. Đồng thời, luân canh 02 vụ lúa - 01 vụ ớt chỉ thiên trên diện tích 0,7ha kết hợp nuôi 05 con bò sinh sản.
Ông Hùng cho biết: với diện tích trên trước đây hàng năm chủ yếu sản xuất lúa - màu, tuy ít rủi ro nhưng cực công chăm sóc, lợi nhuận bấp bênh do ảnh hưởng giá thị trường, 05 năm nay ông mạnh dạn chuyển đất lúa sang đào ao nuôi tôm. Hàng năm, thả nuôi 03 vụ tôm thẻ chân trắng, khoảng 400.000 con giống/vụ. Vụ nuôi năm nay tôm chậm phát triển nên khi thu hoạch sản lượng đạt 2,5 tấn, giá bán 85.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), lợi nhuận 70 - 80 triệu đồng. Hiện nay ông đã cải tạo ao hồ và thả nuôi vụ mới được gần 01 tháng tuổi.
Nông dân Kim Thùng, ngụ cùng ấp chuyển đổi 0,3ha đất trồng lúa sang trồng màu trong nhà lưới, thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Ông Thùng cho biết: với 01ha đất trồng lúa sản xuất 03 vụ/năm; 02 năm nay ông chuyển 0,3ha đất lúa sang lên liếp trồng màu trong nhà lưới với vốn đầu tư ban đầu 100 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng. Hàng tháng, ông trồng luân canh rau cải xà lách, cải ngọt, cải bẹ xanh, hành lá,... thu hoạch khoảng 50 - 60kg/ngày, giá bán hiện nay khoảng 6.000 đồng/kg.
Tuy hành lá có giá cao khoảng 30.000 đồng/kg nhưng để chủ động nguồn giống, đợt này ông không có thu hoạch hành bán mà lưu giống hành trồng lại bán cho mùa sau. Trồng rau màu trong nhà lưới, chủ động đất canh tác, trồng thường xuyên trong 02 mùa mưa nắng. Với 0,3ha màu trồng trong nhà lưới, lợi nhuận khoảng 100 - 120 triệu đồng/năm.
Đồng chí Võ Văn Đông, Bí thư Chi bộ ấp Bổn Thanh cho biết: đời sống kinh tế của người dân những năm gần đây ngày càng phát triển và ổn định, nhất là thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân chủ động, sáng tạo, đổi mới trong sản xuất đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thực hiện luân canh từ 01 vụ lúa sang 02 vụ lúa - 01 màu hoặc 02 vụ màu - 01 vụ lúa; chuyển đất lúa sang nuôi tôm.
Đến nay, toàn ấp có trên 100ha đất chuyên trồng lúa chuyển sang luân canh lúa - màu và 34ha đất lúa chuyển sang nuôi tôm thâm canh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích, giảm hộ nghèo của ấp còn 10 hộ, trong đó có 08 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.