26/09/2022 07:14
Tuyến đường trục chính nội đồng ở ấp Đại Trường được xây dựng từ Chương trình 135, tạo sức bật phát triển kinh tế cho địa phương.
Nhiều con đường - ít hộ nghèo Khmer
Đến ấp Đại Trường, xã Phú Cần trong những ngày cận lễ Sêne Đôlta của đồng bào Khmer, đi trên con đường nông thôn mới được xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nơi đây.
Ông Kim Mỹ Mỹ, ấp Đại Trường chia sẻ: đây là năm đầu tiên gia đình đón Sêne Đôlta trong không khí đầm ấm, sung túc hơn. Bởi sau bao năm phấn đấu thì đến cuối năm 2021, gia đình tôi cũng được công nhận thoát nghèo. Từ khi ở ấp xây dựng nhiều tuyến đường giao thông việc sản xuất rau màu, gia đình không lo lắng vào mùa mưa khó khăn trong việc vân chuyển. Nay, những ngày cận lễ Sêne Đôlta, gia đình tôi thu hoạch rau màu xong có thể đưa lên xe máy chở đi bán liền, tươi ngon hơn, nên giá cũng cao hơn.
Ấp Đại Trường có 341 hộ dân, trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm gần 90%. Bà con nơi đây chủ yếu sống dựa vào sản xuất lúa hơn 290ha, trồng dừa hơn 63ha, rau màu và kết hợp với nuôi bò hơn 12ha. Thời gian qua, địa phương luôn xác định chú trọng phát triển giao thông nông thôn trong vùng đồng bào Khmer nhằm tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Thạch Ngọc Sang - Bí thư Chi bộ ấp Đại Trường cho biết: thu hoạch vụ lúa hè thu vừa qua, năng suất bình quân đạt gần 06 tấn/ha. Nếu như những năm trước, đợt thu hoạch ngay thời điểm mưa bão, đường sá sình lầy, vận chuyển lúa khó khăn, nên thương lái e ngại, chậm trễ đến thu mua, lúa mọc mầm, bán giá thấp, lại thêm chi phí thuê nhân công vác lúa nên thường bị lỗ. Vụ lúa hè - thu năm nay, do thời tiết bất lợi, năng suất không bằng các năm trước, nhưng tính ra mỗi héc-ta lúa, nông dân cũng còn lời hơn 10 triệu đồng.
Ngồi nhìn học sinh tan trường đạp xe nói chuyện ríu rít trên con đường bê-tông trước nhà, ông Thạch Ngọc Sang chợt nhớ những ngày mưa bão trong mùa lễ Sêne Đôlta năm 2012. Ông Sang kể lại: năm đó, vào mùa này, học sinh phải xuống xe dẫn bộ, do đường sình lầy, đôi lúc tôi phải giúp các cháu vác xe qua khỏi đoạn đường trơn trợt, đi học mà cứ như đi cày ruộng thuê. Giao thông khó khăn nên tỷ lệ trẻ em đến trường học tập chưa cao, hộ nghèo của ấp cũng cao, tỷ lệ hộ khá giàu đếm trên đầu ngón tay.
Vào năm 2012, khi đó ấp Đại Trường có 38 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 18 triệu đồng/năm. Vậy mà nay, từ các chương trình, dự án phát triển giao thông trong vùng đồng bào Khmer toàn ấp Đại Trường đã đầu tư xây dựng được 10 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 09km được bê-tông, nhựa hóa, học sinh đi học chạy xe đạp bon bon đến trường, còn nông dân thì đi xe gắn máy xuống tận ruộng.
Giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng thành công những mô hình kinh tế tập thể, qua đó phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện ấp có 06 tổ sản xuất lúa (trong đó có 02 tổ hợp tác với Cty ADC) với 154 thành viên, diện tích 205ha đang hoạt động có hiệu quả; 01 mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao với diện tích 0,3ha; Mô hình nuôi bò kết hợp trồng dừa hữu cơ trên diện tích hơn 10ha…
Ông Kim Thanh Cần, Chi ủy viên phụ trách Chi bộ ấp Đại Trường cho biết: nhiều tuyến đường được đầu tư từ các chương trình, dự án phát triển trong vùng đồng bào Khmer, nông thôn mới… sau khi đưa vào sử dụng đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội ở ấp Đại Trường phát triển. Song song đó, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, kêu gọi người dân hiến đất mở đường đã giúp mạng lưới giao thông trên địa bàn ấp không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Từ năm 2012 đến nay đã có hơn 50 hộ dân tộc Khmer hiến đất làm giao thông nông thôn với số tiền hơn 01 tỷ đồng, bên cạnh đó người dân còn ủng hộ ngày công lao động để thực hiện các công trình vì lợi ích chung của địa phương.
Giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của ấp qua từng năm. Hiện trên địa bàn ấp hộ khá, giàu tăng lên 80 hộ, hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 01 hộ, thu nhập bình quân của bà con nơi đây đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2021 Đại trường được công nhận là ấp nông thôn mới nâng cao và hiện nay, ấp đang tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn ấp Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.
Tiếp tục đầu tư giao thông - tạo đà để đồng bào Khmer phát triển toàn diện
Ông Thạch Hùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần cho biết: công tác xây dựng mở rộng giao thông nông thôn luôn được các ngành, các cấp chú trọng quan tâm thực hiện và là khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Thấy được lợi ích trong việc xây dựng, mở rộng các tuyến đường nông thôn nên đồng bào Khmer hưởng ứng nhiệt tình, không chỉ tự nguyện hiến đất mà cống hiến sức lao động khi giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tiểu Cần được ngân sách Trung ương đầu tư 04 dự án với tổng nguồn vốn 8.467 tỷ đồng.
Trong năm 2022, huyện tập trung thực hiện tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc Khmer với nguồn ngân sách 6.172 tỷ đồng. Dự án đã giải ngân vốn để đầu tư xây dựng đường giao thông vùng đồng bào dân tộc Khmer với tổng nguồn vốn 5.968 triệu đồng gồm: xây dựng đường trục chính nội đồng ấp Giồng Tranh (xã Tập Ngãi) với quy mô nhựa 3,5m, dài 670m, tổng kinh phí 02 tỷ đồng; xây dựng đường giao thông nông thôn ấp Ngãi Trung (xã Tập Ngãi) quy mô đanl 03m, dài 300m, tổng kinh phí 968 triệu đồng; xây dựng đường trục chính nội đồng ấp Đại Trường - Ô Ét (xã Phú Cần) quy mô nhựa 3,5m, dài 1.000m với tổng kinh phí 03 tỷ đồng. Song song đó, Dự án còn thực hiện duy tu và sửa chữa đường giao thông và Trạm y tế với tổng nguồn vốn 204 triệu đồng.
Các chính sách đầu tư về giao thông tiếp tục triển khai hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao của đồng bào Khmer ở huyện Tiểu Cần. Hiện nay trên địa bàn huyện đều có đường xe ô-tô đến được các xã, tất cả các ấp có đông đồng bào Khmer đều đi lại được cả 02 mùa mưa, nắng. Giao thông nông thôn phát triển góp phần phát huy hiệu quả trong việc phục vụ sản xuất, lưu thông trao đổi hàng hóa, nâng cao dân trí, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào Khmer.
Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer trên địa bàn huyện chiếm 3,32% và hộ cận nghèo chiếm 7,53% thì đến nay tỷ lệ hộ Khmer nghèo chỉ còn 1,64% và hộ cận nghèo giảm còn 4,36%. Điều đó minh chứng cho sự “thay da đổi thịt” của đồng bào Khmer, qua việc Đảng, Nhà nước ta chú trọng thực hiện các chương trình, dự án để đồng bào được hưởng lợi, được phát triển toàn diện.
Bài, ảnh: SỐC KHA
Với 65km đường bờ biển, tỉnh Trà Vinh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; trong đó nuôi tôm nước lợ được xác định là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Năm qua, diện tích và sản lượng tôm nuôi nước lợ của Trà Vinh lớn thứ 06 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với trên 33.330 ha, sản lượng đạt hơn 94.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 7.500 tỷ đồng. Hiện ngành nông nghiệp địa phương đang tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế để nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.