23/04/2021 17:08
Thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các sản phẩm chủ lực được đầu tư mở rộng về diện tích, chất lượng và sản lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, trong phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa xây dựng được chuỗi liên kết sản phẩm giữa người sản xuất với doanh nghiệp, từ đó thiếu bền vững và ổn định về cung - cầu…
Ghi nhận về sản phẩm chủ lực dừa sáp của xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè; mặc dù là sản phẩm đặc sản của địa phương và khá nổi tiếng, nhưng đầu ra của trái dừa sáp chưa ổn định về liên kết giữa doanh nghiệp - người trồng để bao tiêu sản phẩm. Đặc sản dừa sáp đã được chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho Hợp tác xã (HTX) Dừa sáp Hòa Tân, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Toàn xã có trên 49.000 cây dừa sáp (tương đương khoảng 240ha), riêng tại HTX Dừa sáp Hòa Tân hiện có 53 thành viên, với diện tích canh tác dừa sáp gần 45ha (trong này, có 28ha xây dựng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với 39 hộ tham gia; hàng năm cho sản lượng khoảng 40 tấn).
Theo ông Nguyễn Văn Hừng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân: dừa sáp được địa phương xác nhận là cây sản phẩm chủ lực của xã. Thời gian qua, để tập trung phát triển và ổn định vùng nguyên liệu dừa sáp, thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh như Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh “về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND, ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh ban hành quy định về chính sách áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 - 2020… hiện xã cơ bản xây dựng được vùng nguyên liệu cũng như vai trò HTX, tổ hợp tác đã hướng người sản xuất tham gia vào phát triển cây dừa sáp theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm trái dừa sáp.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hừng, vấn đề khó hiện nay đối với sản phẩm chủ lực (dừa sáp) của Hòa Tân là chưa xây dựng được chuỗi liên kết (qua hợp đồng) để kết nối giữa doanh nghiệp với người trồng dừa (thông qua HTX) trong tiêu thụ sản phẩm, đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị cho trái dừa sáp. Ngoài ra, người trồng dừa sáp hiện đã thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (chuyển đổi và trồng mới dừa, xây dựng thương hiệu, VietGAP); trong thời gian tới, để người trồng dừa tiếp tục phát huy hiệu quả sản phẩm của mình gắn với “Đề án phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP”, tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nông dân để “kích cầu” đối với dừa sáp vươn xa và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiêu thụ, quảng bá, chế biến sản phẩm trái cây đặc sản của từng địa phương, trong đó có trái dừa sáp.
Theo “Đề án phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP”, riêng đối với sản phẩm nông sản tươi sống, Trà Vinh có các sản phẩm như lúa thương phẩm, đậu phộng, cá lóc, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển và nghêu thương phẩm. Trong này, sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi theo hướng thâm canh mật độ cao phát triển mạnh từ năm 2018 đến nay, qua đó đã gia tăng rất lớn về sản lượng sản phẩm. Các địa phương vùng ven biển đã và đang xây dựng sản phẩm chủ lực của mình đối với con tôm thẻ chân trắng theo hướng tập trung, gắn kết với sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc…
Ông Lê Vũ Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết: hiện nay, xã đã xác định con tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực của địa phương. Trước đây con tôm thẻ chân trắng nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, theo hình thức công nghiệp; từ năm 2019 mô hình nuôi thâm canh mật độ cao được nông dân áp dụng khá nhiều, góp phần làm tăng sản lượng lên gấp 09 - 10 lần so với trước đây. Trong năm 2020, toàn xã có 836 hộ nuôi thủy sản, diện tích 1.025ha; riêng nuôi thâm canh mật độ cao ở tôm thẻ chân trắng có 133 hộ, diện tích 41,94ha (tương đương 233 ao), cho sản lượng 2.452 tấn; riêng 03 tháng đầu năm 2021, có 150 hộ thả nuôi thâm canh mật độ cao.
Để quy hoạch vùng nguyên liệu cho “Đề án phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP” trên đối tượng tôm thẻ chân trắng ở xã Hiệp Thạnh, ông Lê Vũ Khanh cho biết thêm: hiện địa phương đã và đang quy hoạch khoảng 400ha vùng nuôi ở ấp Cây Da và một phần ấp Bàu. Tuy nhiên, việc đầu tư mô hình nuôi thâm canh mật độ cao ở tôm thẻ chân trắng chi phí khá lớn (250-300 triệu đồng/1.000m2), địa phương gặp rất nhiều khó khăn; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nuôi an toàn; chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm và vùng nuôi để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc…
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao tại vùng quy hoạch ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải.
Để khắc phục những khó khăn (thị trường, quảng bá…) cho các sản phẩm chủ lực của địa phương cũng như các sản phẩm OCOP; ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, ngành đang thực hiện rà soát, hỗ trợ tư vấn thiết kế nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp; rà soát đăng ký các sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao để chuẩn bị hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại điểm giới thiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Trong này, phối hợp cùng các ngành và địa phương tổ chức triển khai Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.