30/11/2023 09:36
Người lao động HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu đóng gói sản phẩm gạo hạt ngọc quê hương.
Điển hình như HTX nông nghiệp thương mại, sản xuất dịch vụ Châu Hưng, huyện Châu Thành là một trong những HTX đang thực hiện chuỗi giá trị liên kết với các hộ dân sản xuất lúa hữu cơ, diện tích 100ha để cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm của nông dân. HTX hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với nông dân, sau đó thu mua, chế biến và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm gạo “Hạt ngọc quê Châu Long” 3 sao của HTX được cung cấp cho các đại lý và người tiêu dùng trên địa bàn. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, tăng quy mô hoạt động, mở rộng thị trường. Đồng thời, triển khai hoạt động định vị vùng trồng đối với các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX.
HTX nông nghiệp Rạch Lọp, huyện Tiểu Cần không chỉ chủ động liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phẩm lúa thương phẩm cho hộ thành viên và người dân, còn tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và mở thêm các dịch vụ mới. Đến nay, HTX đã xây dựng nhãn hiệu “gạo Rạch Lọp - Tiểu Cần” đạt OCOP 3 sao.
Theo ông Huỳnh Đăng Khoa, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp, từ khi HTX đi vào hoạt động đến nay, dù lợi nhuận trên vốn góp không nhiều, nhưng HTX đã mang lại lợi nhuận tăng thêm và chất lượng cho thành viên sử dụng dịch vụ; đồng thời HTX còn tạo ổn định giá thị trường tại địa phương. Hiện HTX đã mở rộng 07 dịch vụ, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong quá trình hoạt động, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đầu tư xây dựng nhà kho chứa vật tư nông nghiệp, nhà xưởng sản xuất,… với số tiền trên 500 triệu đồng. Cơ sở vật chất của HTX cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ thành viên. Ngoài ra, HTX đã xây dựng dự án liên kết và được hỗ trợ 01 tỷ đồng đầu tư giống, phân bón trực tiếp cho 497 thành viên HTX được thụ hưởng.
HTX nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú thực hiện có hiệu quả liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; có nhiều bước tiến trong lĩnh vực liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, từ thu mua lúa hàng hóa của hộ thành viên, nông dân, tổ chức chế biến gạo an toàn cung cấp người tiêu dùng. Song song đó, HTX đã mở rộng các kênh bán hàng trong và ngoài tỉnh, tham gia các sàn thương mại điện tử có sẵn như tiki, lazada, sendo, Postmart.vn… hiện HTX có 06 dòng sản phẩm gạo “Hạt ngọc rồng” đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong Top 4 gạo ngon thương hiệu Việt trong festival lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, chứng nhận OCOP 4 sao. Theo đó, HTX đã và đang tiến hành quy hoạch vùng tập trung sản xuất hàng hóa lớn có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mang lại tính bền vững và hiệu quả kinh tế cao.
HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu, huyện Châu thành là một trong những HTX tạo được chuỗi giá trị gia tăng cao trong sản xuất. Mô hình HTX kiểu mới mang lại nhiều kết quả tích cực trong sản xuất, liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân và doanh nghiệp được thắt chặt.
Ông Trần Văn Công, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu cho biết: HTX hiện có 47ha sản xuất lúa giống và 223ha sản xuất lúa chất lượng cao, 170ha sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ và bao tiêu sản phẩm. Trung bình hàng năm các thành viên HTX cung cấp thị trường trên 800 tấn lúa giống và 3.700 tấn lúa thương phẩm. Hiện HTX đã đầu tư nhà xưởng, kho bãi và dây chuyền hoàn chỉnh phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh… Nhãn hiệu sản phẩm gạo “Hạt ngọc quê hương” 4 sao của HTX hiện đã được phân phối trong hệ thống siêu thị, bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Theo đồng chí Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX thành viên, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh chủ động tham mưu và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển đa dạng loại hình tổ hợp tác, HTX trong mọi lĩnh vực; tập trung phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, một số HTX chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cũng như xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với địa phương tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương hướng phát triển cho các HTX hoặc thành lập mới trên địa bàn. Hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp. Vận động các HTX có sản phẩm OCOP tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao vai trò, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.