08/09/2022 07:47
Tỉnh Trà Vinh có thế mạnh về nông nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 79,05%/diện tích tự nhiên (diện tích tự nhiên 234,115ha). Từ đó, có thế mạnh về phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, có nguồn nguyên liệu nông - thủy sản có sẵn và phong phú; ngành nghề phát triển đa dạng. Nuôi thủy sản, cây ăn trái, chế biến, bảo quản nông sản, đan đác, dệt chiếu, thảm lác, tơ xơ dừa... có lịch sử phát triển lâu đời.
Bên cạnh, tỉnh có 13 làng nghề, tạo lượng sản phẩm lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, những sản phẩm đạt OCOP, nhất là sản phẩm 4 sao trở lên, được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, xúc tiến thương mại… đồng thời, thúc đẩy lộ trình XDNTM của tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 104 sản phẩm OCOP đạt được qua 04 năm thực hiện vẫn chưa ngang tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; chưa khai thác hiệu quả, chất lượng sản phẩm không cao, chủ yếu dạng thô, giá trị gia tăng thấp; vệ sinh an toàn thực phẩm còn rủi ro; bao bì, nhãn mác chưa đa dạng, tiêu thụ và thị trường tiêu thụ còn hẹp, thu nhập và đời sống người sản xuất còn thấp...
Do đây là Chương trình mới, công tác đào tạo, tập huấn chưa thực hiện đến tất cả các chủ thể tham gia; một ít cán bộ chỉ đạo thực hiện chưa nắm sâu mục đích, ý nghĩa của Chương trình, nên chưa quyết liệt. Các chủ thể (công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh) chưa nắm hết mục đích, ý nghĩa của Chương trình, hình thức và hiệu quả sau khi tham gia... nên tham gia còn hạn chế.
Một số cơ sở sản xuất trong tỉnh năng lực tài chính hạn chế, thiếu tay nghề, quy mô nhỏ lẻ, thiết bị công nghệ chậm đổi mới, năng lực trình độ tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh chưa nâng cao, thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ. Một ít sản phẩm chất lượng chưa cao và chưa ổn định, mẫu mã, bao bì đơn điệu; quá trình sản xuất tiêu hao nhiều nguyên, nhiên vật liệu và công lao động… dẫn đến sức cạnh tranh thấp, nên chủ thể ngại tham gia Chương trình.
Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, năm 2018, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động cả hệ thống vào cuộc; nhất là tỉnh hoàn thiện các văn bản pháp lý.
Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, tỉnh đã phân bổ 500 triệu đồng (bình quân 50 triệu đồng/huyện, thị) để triển khai các nội dung cơ bản: tập huấn, tuyên truyền vận động xây dựng kế hoạch, chấm điểm phân hạng sản phẩm...
Năm 2020, tiếp tục phân bổ 4,5 tỷ đồng (bình quân 500 triệu đồng/huyện, thị). Bên cạnh, ngày 19/3/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có nội dung hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP, thực hiện tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, chủ cơ sở về trang thiết bị, xúc tiến thương mại...
Với 104 sản phẩm, đây là kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tăng giá trị sản phẩm. Các chủ thể tham gia Chương trình đã nâng lên về nhận thức, năng lực sản xuất, nhất là về quản trị kinh doanh, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường... Nhiều cơ sở mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác đảm bảo hợp quy. Đây là nền tảng quan trọng trong thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới. Nhưng, muốn có nhiều sản phẩm, chất lương, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững, tỉnh đang cần có những “chiến dịch truyền thông”.
Qua 04 năm thực hiện, tỉnh đã đi “từ không đến có”, trong đó, công tác tuyên truyền, tập huấn là một trong những giải pháp để đạt được: tuyên truyền với nhiều hình thức, góp nâng cao năng lực cho cộng đồng để họ tự tin, sáng tạo và khát vọng vươn lên. Việc lựa chọn ý tưởng sản phẩm có tính quyết định, trong đó cần quan tâm đến 02 yếu tố cốt lõi: lựa chọn người tham gia phải là người có khát vọng, có khả năng vươn lên; ý tưởng sản phẩm phải khả thi, có khả năng phát triển. Đồng thời, cần thường xuyên tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện từ khâu xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, đến xây dựng quy trình sản xuất...
“Chiến dịch truyền thông” cần đa dạng: tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các cơ sở, đơn vị để giải quyết các vấn đề khó, những rào cản, nhất là cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho người dân sáng tạo phát triển sản xuất; công tác quản lý chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”. Đặc biệt, tỉnh sớm ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP, các cơ sở cần xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và niêm yết tại nơi sản xuất để người dân, cộng đồng biết và giám sát…
Song song đó, xúc tiến thương mại phải được quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở tích cực tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm. Qui định những doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị... trên địa bàn phải tiếp nhận và bán các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh. Tỉnh cần ban hành quy chế quản lý cửa hàng, với bộ nhận diện cửa hàng riêng, yêu cầu về diện tích, số lượng mặt hàng OCOP... và các chế tài xử lý vi phạm để hình thành kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm OCOP, tránh lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải OCOP.
TRƯỜNG NGUYÊN
Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện Càng Long đã mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Điển hình là mô hình chăn nuôi của anh Bùi Văn Vinh, đoàn viên Chi đoàn ấp Rạch Cát, xã Đại Phúc.