14/09/2020 07:14
Ông Thạch Dương, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần chăm sóc vườn dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích hơn 300ha dừa tại các xã Tân Hùng, Tập Ngãi và Ngãi Hùng của huyện Tiểu Cần, do Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh) tài trợ kinh phí 300 triệu đồng thực hiện.
Theo đó, hơn 300 hộ trồng dừa tham gia mô hình được Công ty TNHH Nông lâm sinh thái Saigon hỗ trợ kỹ thuật trồng dừa hữu cơ; quy trình chăm sóc, cách sử dụng phân bón theo chuẩn của Hoa Kỳ và châu Âu cho nhà vườn trong thời gian 04 tháng. Vùng nguyên liệu dừa hữu cơ này đã được Công ty cổ phần Trà Bắc bao tiêu đầu ra.
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, giúp nông dân có thu nhập ổn định; đồng thời, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Trước đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã hỗ trợ 202 hộ nông dân xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) xây dựng thành công vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ, với diện tích 220 ha. Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu bao tiêu đầu ra toàn bộ vùng nguyên liệu này.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt 3 chuẩn quốc tế, gồm châu Âu, Mỹ và Nhật, trên diện tích 327ha của 348 hộ nông dân xã Đại Phước, huyện Càng Long. Các diện tích trồng dừa hữu cơ trong tỉnh đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%.
Nhà vườn Thạch Dương, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần có thâm niên trồng dừa hơn 30 năm chia sẻ, cuối năm 2017, gia đình ông được ngành nông nghiệp vận động chuyển đổi 1,6 ha dừa sang sản xuất hữu cơ. Mô hình khá hiệu quả so với cách sản xuất truyền thống trước đó.
Tham gia mô hình, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh hoặc phân chuồng thay thế cho phân thuốc hóa học. Tuy không có tác dụng nhanh như phân hóa học nhưng về lâu dài các loại phân này giúp đất giữ được độ tơi xốp và độ ẩm. Điều này khá thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn thường xuyên xuất hiện vào mùa khô tại tỉnh Trà Vinh.
Từ khi áp dụng cách làm này, vườn dừa của ông Dương, cây dừa phát triển rất tốt, quả sai và đều, lá xanh mướt, ít sâu bệnh, năng suất tăng hơn 20% so với trước. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, điều ông và những hộ trồng dừa hữu cơ địa phương khá tâm đắc là mô hình giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cả người tiêu dùng.
Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa hơn 23.000ha tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và Càng Long. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 5.000ha dừa hữu cơ tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.