12/09/2022 08:04
Anh Bùi Đức Tài (phải) sau khi đi XKLĐ trở về, với số vốn tích lũy đã tập trung đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi heo sinh sản.
Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) vừa giải quyết việc làm vừa nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện để người lao động tích cực tham gia XKLĐ, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Để giải quyết việc làm cho người lao động, cùng với chỉ đạo giải quyết việc làm tại chỗ như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, mở rộng diện tích sản xuất trên các vùng đất triền giồng, đất kém hiệu quả; phát triển các ngành nghề nông thôn.
Nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện có đông đồng bào Khmer đã phối hợp cùng các ban ngành, tăng cường công tác tuyên truyền, hội thảo, giới thiệu để người lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài. Qua đó, nhiều địa phương như huyện Cầu Kè, Cầu Ngang đã tập trung vận động, tư vấn cho số lao động trẻ tuổi, nhàn rỗi tích cực đăng ký đi XKLĐ.
Mặt khác, qua các lần hội thảo, ngành lao động chọn các đối tượng có đủ điều kiện tham gia XKLĐ có việc làm, thu nhập cao để giới thiệu, nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả, nhận thức cho các gia đình chưa và đang có nhu cầu muốn đưa người thân tham gia XKLĐ. Do đó, số người tham gia XKLĐ ngày càng tăng và đạt kế hoạch của địa phương.
Ông Hà Trọng Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Ngang cho biết: sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 8/2022, hoạt động đào tạo nghề nông thôn và người dân tham gia XKLĐ đạt được nhiều kết quả so với thời điểm năm 2020, năm 2021 (thời điểm bị ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh Covid-19). Hiện huyện Cầu Ngang đã đưa được 82 người đi XKLĐ, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và 30 lao động đang theo học các lớp đào tạo tại các đơn vị tuyển dụng XKLĐ (dự kiến hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá năng lực vào cuối tháng 9/2022), như vậy với chỉ tiêu 120 đối tượng đi XKLĐ trong năm 2022 của huyện, dự kiến sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Hỗ trợ cho người dân tham gia XKLĐ là chính sách lớn được Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành, trong này, trên 70% kinh phí cho người lao động được ngân hàng hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp. Riêng trên địa bàn huyện Cầu Ngang, đến cuối tháng 6/2022 đã có 27 lao động được hỗ trợ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với số tiền trên 2,5 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Lam, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè cho biết: thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022 theo Kế hoạch số 26/KH-UBND, ngày 28/02/2022 của UBND huyện; theo đó, Cầu Kè tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xóa nghèo để nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, thông qua các chương trình giới thiệu việc làm, hội thảo và đào tạo nghề nông thôn, trong đó hỗ trợ các chính sách cho người dân tham XKLĐ được huyện phối hợp tích cực với các ban ngành đoàn thể để vận động, tuyên truyền. Đối với chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 110 lao động, đến cuối tháng 8/2022 huyện đã thực hiện được 92 lao dộng đi XKLĐ.
Anh Bùi Đức Tài, ngụ ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè vừa trở về sau 03 năm tham gia lao động hợp tác ở Nhật Bản, chia sẻ: đối với lao động nông thôn còn trong độ tuổi nên tham gia XKLĐ, bên cạnh mang lại thu nhập cho gia đình và khi trở về còn có tiền tích lũy (trên 500 triệu đồng) để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp… Bên cạnh đó, việc tham gia XKLĐ còn giúp cho bản thân tiếp cận được tinh thần lao động có kỷ luật và kiến thức tích lũy trong quá trình làm việc với các công nhân khác ở nước bạn.
Thông tin từ lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Ngang, hiện các đối tượng đi XKLĐ đều có mức thu nhập từ trên 20 triệu đồng/tháng để gửi về gia đình. Tuy nhiên, cái khó hiện nay, các đối tượng sau khi đi XKLĐ trở về địa phương khó kết nối với doanh nghiệp (cùng ngành nghề) để tham gia và phát huy tay nghề. Người tham gia XKLĐ có nhu cầu rất lớn, nhưng hiện còn hạn chế về trình độ.
Qua tìm hiểu thì được biết, gia đình của anh Bùi Đức Tài, ngoài anh ra, trước đó, có thêm 02 người cũng tham gia đi XKLĐ ở Nhật Bản. Ngày trước, nghe đi XKLĐ rất ngán ngại, nhất là sợ con bị lừa, cùng với đó chi phí đi XKLĐ cũng khá lớn (dao động từ 100 - 150 triệu đồng/lao động) và lo cho con cái khi đi ra nước ngoài có bị bóc lột sức lao động hay không… Tất cả các lo lắng trên đều không xảy ra, vì đi XKLĐ theo đúng hướng dẫn của Nhà nước và chính quyền địa phương (đơn vị tuyển dụng lao động đi XKLĐ), gia đình sẽ an tâm; kỷ luật lao động và giờ làm việc luôn đảm bảo theo đúng luật lao động của nước sở tại. Hiện tại các con trong gia đình đã có cuộc sống kha khá, ổn định.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg, ngày 31/3/2025 quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.