13/01/2020 08:29
Sản phẩm đặc sản của nhà vườn Cầu Kè trưng bày tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010 - 2020. Ảnh: HH
Mục tiêu của Nghị quyết số 26 "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường”. Nhìn lại chặng đường 10 năm XDNTM, thật ấn tượng với những thành tựu đạt được của tỉnh “giữa 02 thời điểm”.
Khi Nghị quyết số 26 ra đời, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã quán triệt sâu sắc: XDNTM là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26. Đây là chương trình có mục tiêu toàn diện, tổng hợp của các chương trình; mục tiêu, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh, vì đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Từ đó, phong trào thi đua: “Trà Vinh cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ra đời, trở thành nguồn động lực, cổ vũ mạnh mẽ, là “hành trang” trong suốt 10 năm qua.
Với tinh thần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực phấn đấu XDNTM, 10 năm qua bộ mặt nông thôn của tỉnh đổi thay vượt bậc, đời sống người dân nâng lên, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Đặc biệt, từ phong trào thi đua XDNTM, tỉnh đã “hóa giải” những thách thức trong giảm nghèo. Có thể nói, công tác giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2019, các địa phương tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ, thực hiện giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Đó là nhờ xác định: Người dân là chủ thể, tham gia của người dân là nhân tố quyết định thành bại. Người dân tham gia XDNTM, có sự hỗ trợ của Nhà nước, từng bước tăng cường kỹ năng, năng lực quản lý, tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài; vai trò của người dân đã thể hiện: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi.
Toàn tỉnh đã huy động hơn 11.530,954 tỷ đồng XDNTM
Chương trình XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tập trung tạo chuyển biến toàn diện, giai đoạn 2010 - 2019, toàn tỉnh đã huy động hơn 11.530,954 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương 729,478 tỷ đồng, chiếm 6,33%; địa phương 822,833 tỷ đồng, chiếm 7,14%; vốn lồng ghép 3.640,594 tỷ đồng, chiếm 31,57%; vốn tín dụng 4.692,666 tỷ đồng, chiếm 40,69%; vốn doanh nghiệp 270,17 tỷ đồng, chiếm 2,34%; vốn dân đóng góp thông qua hiến đất, cây cối, hoa màu… 1.299,485 tỷ đồng, chiếm 11,27% và các nguồn khác…75,828 tỷ đồng, chiếm 0,66%.
Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Trà Vinh cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện và đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân. Từ đó, phong trào thi đua đã đạt những kết quả khả quan đúng mục tiêu, nội dung kế hoạch đề ra. Một trong những dấu ấn mạnh mẽ giai đoạn 2010-2019 là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bằng nhiều hình thức đa dạng, toàn tỉnh đã tư vấn, đào tạo 725.278 lượt lao động, đã có 290.112 người tìm được việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đạt 132% so với kế hoạch. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 65,56%. Trong đó, lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 29%. Đặc biệt, xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, từ năm 2014 đến nay đã chuyển đổi khoảng 18.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác và nuôi thủy sản để tăng giá trị trên đơn vị đất canh tác.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Trà Vinh cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, quan điểm nhất quán của tỉnh dựa trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ; đảm bảo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân là then chốt; đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trong giai đoạn 2010-2019, hướng tới xây dựng hình ảnh nông thôn kiểu mẫu, nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
Phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 05% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 06 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM: Dự kiến các huyện Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Duyên Hải. Trong đó, có 01 đơn vị cấp huyện đạt NTM kiểu mẫu. Giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu đến năm 2030, có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nâng cao và 10% số xã đạt kiểu mẫu; 09/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 03 đơn vị cấp huyện đạt kiểu mẫu. Dự kiến tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh 1.200 tỷ đồng (24%); vốn lồng ghép các chương trình dự án 300 tỷ đồng (06%); vốn tín dụng 2.250 tỷ đồng (45%); vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 750 tỷ đồng (15%); đóng góp của cộng đồng dân cư 500 tỷ đồng (10%).
Box: Qua 10 năm thực hiện XDNTM, nhiều chỉ tiêu tăng gấp nhiều lần so với 02 thời điểm: Tỷ lệ hộ nghèo từ 10,66% năm 2015, năm 2018 còn 5,95%, hiện nay còn 3,33%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 60,68% năm 2018, cuối năm 2019 đạt 65,56%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2018 đạt 94,05% (tăng 37,06% so với năm 2011), cuối năm 2019 đạt 96,25%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 58% (tăng 4,87% so với cuối năm 2015); cuối năm 2019: tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 67%, nước hợp vệ sinh 98,5%.
Đến nay, toàn tỉnh có 55/85 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (riêng thành phố Trà Vinh, có 01 xã nên không trình hồ sơ Trung ương công nhận); có 79,4% hộ và 60% ấp đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng liên tục qua các năm. Cụ thể: GRDP bình quân đầu người từ 53,12 triệu đồng/người/năm 2018 tăng lên 59,09 triệu đồng/người/năm 2019. Về hộ nghèo, giai đoạn 2011-2015; đầu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo 23,63% (58.158 hộ), đến cuối năm 2015 giảm còn 7,61% (20.417 hộ), giảm 37.741 hộ, bình quân hàng năm giảm 7.548 hộ, tương đương 3,2%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer so với tổng số hộ dân tộc Khmer từ 40,34% (30.238 hộ) vào đầu năm 2011 giảm còn 14,13% (12.072 hộ) vào cuối năm 2015 (giảm 26,21%, giảm 18.166 hộ, bình quân giai đoạn này hàng năm giảm 5,24%).
Giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn tỉnh đã giảm 7,28% (đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 13,23% (35.506 hộ) đến cuối năm 2018 giảm còn 5,95% (16.414 hộ), giảm tổng cộng 19.092 hộ, bình quân mỗi năm giảm 6.364 hộ, tương đương 2,43%). Năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,62% (tương đương giảm 6.841 hộ, vượt chỉ tiêu giao 0,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 05% (tương đương giảm 4.474 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,71%. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 3,33%. 100% hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh được thoát nghèo bền vững.
TRƯỜNG HIẾU
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.