10/09/2020 07:32
Nông dân xã cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong mô hình tôm-lúa xen canh.
Theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 của ngành nông nghiệp tỉnh: tổng giá trị sản xuất toàn ngành 29.002 tỷ đồng (tăng 03% so với năm 2019). Trong đó, nông nghiệp 17.470 tỷ đồng, lâm nghiệp 310 tỷ đồng, thủy sản 11.222 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh tập trung triển khai các giải pháp bù đắp giá trị sụt giảm trong sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: đối với ngành nông nghiệp do tỷ trọng giá trị sản xuất bị sụt giảm (trên 1.050 tỷ đồng), để bù đắp lại giá trị trên, Sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp các nguồn lực để khắc phục, thúc đẩy sản xuất với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.
Thực hiện các giải pháp để bù đắp các giá trị sụt giảm, trong lĩnh vực trồng trọt sẽ phấn đấu tạo giá trị gia tăng thêm khoảng 83,95 tỷ đồng; hiện đã triển khai mở rộng thêm 300ha đậu phộng (ước đạt giá trị 22,35 tỷ đồng), cây dừa tăng 700ha (gia tăng giá trị thêm 40,54 tỷ đồng) và cải tạo 500ha vườn tạp sang vườn chuyên canh (bù đắp 21,06 tỷ đồng). Ngành chăn nuôi đẩy mạnh phát triển đàn bò (tăng 10.000 con so với kế hoạch) bù đắp 82,77 tỷ đồng; đàn gia cầm (tăng 720.000 con và 8,64 triệu quả trứng), bù đắp 95,15 tỷ đồng cùng với mở rộng các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, tạo thêm giá trị gia tăng khoảng 20,27 tỷ đồng.
Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản đây là thế mạnh của tỉnh và ít chịu các tác động ảnh hưởng, sẽ là ngành chủ lực để khai thác tốt việc góp phần gia tăng bù đắp giá trị sụt giảm khoảng 768,80 tỷ đồng. Theo đó, một số chỉ tiêu bù đắp trong thủy sản: đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ tham gia bù đắp thêm 651,65 tỷ đồng với các điều chỉnh trong kế hoạch sản xuất như mở rộng diện tích tôm thẻ chân trắng tăng 500ha (sản lượng 6.200 tấn), bù đắp 496 tỷ đồng; tôm sú tăng 250 tấn, bù đắp 30 tỷ đồng; tôm càng xanh tăng 130 tấn, bù đắp 14,04 tỷ đồng; cá lóc tăng 1.300 tấn (thả nuôi năm 2019 đến kỳ thu hoạch), bù đắp 51,61 tỷ đồng; cá các loại tăng 2.500 tấn, bù đắp 38,25 tỷ; cua biển tăng 120 tấn, bù đắp 13,2 tỷ đồng; thủy sản khác (nghêu, hàu, sò huyết...) tăng 475 tấn, bù đắp 8,55 tỷ đồng. Về khai thác hải sản, sẽ tham gia bù đắp 117,15 tỷ đồng (tôm các loại tăng 450 tấn, bù đắp 29,25 tỷ đồng; cá các loại 1.630 tấn, bù đắp 9,78 tỷ đồng; hải sản khác tăng 2.020 tấn, bù đắp 78,12 tỷ đồng).
Phân tích nội lực của ngành thủy sản mang lại, ông Phạm Minh Truyền cho biết: ngành phối hợp cùng các địa phương vận động, tuyên truyền và hướng dẫn nông dân tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại với các đối tượng thủy sản ở cả 03 vùng (mặn, lợ, ngọt) có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao. Chuyển từ nuôi thủy sản theo phương thức truyền thống sang hình thức nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đối với các con nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, nghêu, cá lóc…).
Đồng thời, xây dựng và triển khai “Kế hoạch phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, trên biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2020-2025”; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị đánh bắt, chế biến, bảo quản trên tàu.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Bài 1: Nhiều giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu ngành công nghiệp
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.