11/09/2020 10:26
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa trước BĐKH, việc ứng dụng các giải pháp trong kỹ thuật canh tác ở trên cây lúa đã được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh không ngừng triển khai, như sử dụng phân bón thông minh (phân chậm tan), tưới ngập - khô xen kẽ, sử dụng giống có tính chịu mặn cao và khô hạn, xuống giống theo lịch thời vụ ngành nông nghiệp khuyến cáo…
Nông dân xã Tân Sơn, huyện Trà Cú tham gia ứng dụng mô hình sử dụng phân bón thông minh trong sản xuất lúa trước BĐKH ở vụ hè-thu 2020.
Hàng năm diện tích sản xuất lúa của Trà Vinh đạt khoảng 225.000ha; riêng năm 2020, sản lượng lúa mất trắng và gieo sạ không đạt kế hoạch (do ảnh hưởng khô hạn và mặn xâm nhập) giảm 208.495 tấn, tương đương gần 950 tỷ đồng. Việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, điều chỉnh thời vụ sản xuất và cơ cấu giống sử dụng, đầu tư hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động gần 90% diện tích đất sản xuất, chủ động công tác phòng, trừ sâu bệnh và đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất… đã từng bước nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Đến cuối tháng 8/2020, thông qua Trung tâm Khuyến nông và các Trạm Khuyến nông huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp triển khai 197 lớp, có 5.494 lượt người tham dự. Trong đó, trồng trọt 80 lớp, chăn nuôi 61 lớp và thủy sản 56 lớp. Nội dung về kỹ thuật canh tác và quản lý dịch bệnh trên cây lúa; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái sau giai đoạn hạn, mặn; kỹ thuật chăn nuôi gà; kỹ thuật nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa... Cán bộ kỹ thuật các phòng, trạm xuống địa bàn tư vấn trực tiếp kỹ thuật cho 5.437 lượt hộ. Lĩnh vực trồng trọt, các biện pháp ứng phó và phòng, chống hạn, mặn trên lúa, rau màu. Lĩnh vực chăn nuôi, hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi trong mùa hạn, mặn; giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học. Lĩnh vực thủy sản, thông báo lịch thời vụ thả nuôi; quy trình nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao; kỹ thuật cải tạo ao và xử lý nước trong nuôi tôm sú, tôm thẻ và các biện pháp phòng trị bệnh trong nuôi tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh. |
||
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho biết: trong sản xuất lúa những năm gần đây gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt và ảnh hưởng khô hạn, mặn đã tác động đến nhiều vùng sản xuất lúa của địa phương, như Đa Lộc, Phước Hảo, Hòa Lợi, Lương Hòa…
Vừa qua, trên địa bàn huyện, ngoài nguồn vốn sự nghiệp của ngành nông nghiệp, còn có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp phối hợp triển khai cho nông dân thực hiện, áp dụng các kỹ thuật trong canh tác lúa trước BĐKH như sử dụng phân bón thông minh, quy trình canh tác hạn chế sử dụng nước trong các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa (tưới ngập - khô xen kẽ)… bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho nông dân, giảm chi phí sản xuất, cải tạo đất canh tác, ổn định năng suất và ứng phó được một phần nào trước tình hình BĐKH diễn biến phức tạp như hiện nay.
Nông dân Trần Bá Du, ấp Thanh Trì, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành chia sẻ: những năm qua, tình hình thời tiết khá khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa rất lớn; nếu không chủ động tốt trong sản xuất là gần như lỗ hoặc phá huề, không có lời. Từ thực trạng trên, gia đình có 0,6ha lúa, vụ hè -thu 2020 ứng dụng mô hình canh tác phân bón thông minh của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ. Kết quả là các diện tích sản xuất trong khu vực bị ảnh hưởng khô hạn và nền đất bị nhiễm mặn, phèn (do ảnh hưởng ở vụ đông-xuân 2019-2020) của gia đình nhờ sử dụng quy trình phân bón thông minh nên năng suất đạt khá cao (trên 06 tấn/ha) chi phí sản xuất tiết kiệm khoảng 1,3 triệu đồng/tấn lúa.
Tại xã Tân Sơn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú tổ chức triển khai thực hiện “Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh chậm tan” trên quy mô 8,2ha cho thấy sử dụng phân bón thông minh chỉ bón 01 lần trước khi gieo sạ, từ đó giảm được công lao động, hạn chế thất thoát phân bón, cung cấp dưỡng chất giúp cho cây lúa hạn chế đổ ngã, ít sâu bệnh trong suốt thời gian sinh trưởng. Trong khi mô hình sử dụng phân bón vô cơ thông thường phải bón phân đến 03 lần nên tăng chi phí lao động nhưng lại dễ bị rửa trôi từ đó ảnh hưởng xấu đến môi trường. Qua đó, năng suất lúa cao hơn 0,7 tấn/ha và lợi nhuận cao hơn 6,39 triệu đồng/ha so ngoài mô hình.
Theo ông Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh: đối với các mô hình triển khai ứng dụng kỹ thuật mới trong canh tác hiện nay, trong đó có việc sử dụng phân bón thông minh hay sản xuất tiết kiệm nước… giúp người sản xuất chọn lựa được các kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiệu quả và phù hợp với tình hình BĐKH. Đây cũng là điều kiện để ổn định đời sống kinh tế cho người sản xuất nông nghiệp, cũng như góp phần giải quyết tình trạng thiếu công lao động trong nông thôn, làm tăng chất lượng hạt lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao, hạn chế ô nhiễm môi trường và hướng đến xây dựng nông nghiệp bền vững.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.