04/04/2022 16:45
Nông dân lân cận đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất lúa của ông Trương Văn Hải, ấp Ông Rùm, xã Hùng Hòa.
Thực tế hiện nay, trong quá trình sản xuất lúa nông dân đã sử dụng phân bón vô cơ, liên tục kéo dài đã làm cho nguồn dinh dưỡng trong đất cạn kiệt dần do không bổ sung phân bón hữu cơ, gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại nấm bệnh, diệt các loài vi sinh vật có lợi, làm nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, làm đất chai cứng, giảm năng suất cây trồng và gia tăng các chi phí sản xuất, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người. Vì vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng bổ sung phân hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái, nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn; nhất là trong thời kỳ lúa trổ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.
Ông Trương Văn Hải, nông dân ở ấp Ông Rùm, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết, ông đã tìm hiểu nhiều trên sách, báo, đài, internet,… và được sự hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật ở huyện, tỉnh về lợi ích của việc cân đối trong sử dụng, bổ sung phân hữu cơ trong quá trình sản xuất lúa ở các địa phương khác đã mang lại hiệu quả tích cực. Chính vì vậy mà ngay từ vụ đông - xuân 2018 - 2019 ông đã mạnh dạn thay đổi quy trình sử dụng phân bón cho diện tích 1,5ha đất lúa của gia đình, đến nay đã canh tác được 09 vụ.
Ông Hải chia sẻ, vụ đầu tiên sử dụng 40% phân hữu cơ, tương đương 320kg/ha và được bón lót vào đầu vụ; 60% lượng phân vô cơ cho các giai đoạn tiếp sau đó, kết quả năng suất lúa đạt 9,3 tấn/ha (lúa tươi), với giá bán 6.200 đồng/kg, tổng số tiền thu được 57,66 triệu đồng/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang lại hơn 30 triệu đồng/ha.
Và gần đây nhất, vụ lúa đông - xuân 2021 - 2022, trên diện tích 1,5ha ông sử dụng lượng phân bón theo tỷ lệ 50% hữu cơ, tương đương 400kg/ha; 50% vô cơ, cùng phương thức sạ lan và gieo sạ giống OM 5451, lượng giống là 170kg/ha. Ngoài ra ông cho biết, hiện nay thị trường giá bán của phân vô cơ là 19.600 đồng/kg, một héc-ta sử dụng 400kg phân vô cơ, tương đương với số tiền 7,840 triệu đồng/ha, trong khi đó phân hữu cơ chỉ ở mức 7.750 đồng/kg, tương đương 3,1 triệu đồng/ha. Kết quả năng suất thu hoạch vụ lúa đông - xuân này đạt 8,25 tấn/ha (lúa tươi), với giá bán 5.800 đồng/kg, tổng thu được 47,85 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đã mang lại lợi nhuận cho gia đình hơn 25 triệu đồng/ha.
Nhận thấy, kết quả năng suất tốt, lợi nhuận mang lại khá từ việc giảm lượng phân hóa học mà thay vào đó bổ sung lượng phân hữu cơ của những vụ sản xuất lúa trước của ông Hải so với những hộ sử dụng hoàn toàn là phân vô cơ. Cũng trong vụ lúa đông - xuân 2021 - 2022, ông Lành với diện tích 0,5ha lân cận đã gieo sạ cùng lượng, cùng loại là giống OM 5451 và sử dụng phân hữu cơ với lượng 320kg/ha đã được 02 vụ liên tiếp. Kết quả thu hoạch lúa tươi năng suất đạt 7,5 tấn/ha, với giá bán 5.800 đồng/kg, tổng thu nhập 43,5 triệu đồng/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang lại hơn 20,7 triệu đồng/ha, cao hơn so với những hộ sử dụng hoàn toàn phân hóa học khoảng 03 triệu đồng/ha.
Ông Lành cho biết lý do chọn kết hợp giữa sử dụng phân hữu cơ và vô cơ theo tỷ lệ 40% hữu cơ; 60% vô cơ. Tuy tốn nhiều công bón lót vào đầu vụ, nhưng đổi lại trong suốt quá trình sản xuất lúa ít mầm bệnh, ít sâu bệnh xuất hiện, đã giảm hơn từ 2 - 3 lần phun thuốc tiêu diệt sâu bệnh, nấm bệnh, giảm chi phí cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe và đã cải thiện được một số khu vực diện tích đất bị nhiễm phèn.
Qua trao đổi với ông Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết, trước tình hình hiện nay giá phân bón hóa học tăng cao, diễn biến của biến đổi khí hậu,… và kết quả tích cực từ năng suất mang lại từ việc sử dụng tỷ lệ phân hữu cơ hợp lý trong quá trình canh tác lúa của một số nông dân, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ có kế hoạch phối hợp các cơ quan chuyên môn thông qua các lớp tập huấn lồng ghép, tuyên truyền khuyến cáo rộng rãi giúp nông dân hiểu được vai trò của phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích, hướng dẫn nông dân mạnh dạn sử dụng phân bón đảm bảo phù hợp, cân đối và hiệu quả, giảm đáng kể lượng phân bón vô cơ, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập và cải tạo bảo vệ đất trồng.
Đồng thời, liên kết tổ chức thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi,… ở các khu vực khác nhau và hướng dẫn một số giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, cân đối phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giới thiệu nhân rộng các mô hình sử dụng phân hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế.
Phối hợp với các ngành đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động, định hướng, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối hơn để mang lại hiệu quả tối ưu cho thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, từng bước chuyển dần sang sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hướng tới nền nông nghiệp bền vững, tăng cường đa dạng sinh thái tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng thân thiện, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái trên đồng ruộng.
Bài, ảnh: PHÚ THÀNH
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.