21/08/2020 14:53
Tuy nhiên, đối với Trà Vinh, theo Quyết định số 22 chỉ thực hiện chính sách bảo hiểm trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng về ảnh hưởng do tác động rủi ro thiên tai. Ghi nhận thực tế tại một số địa phương sau khi triển khai, người nuôi thủy sản rất kỳ vọng vào loại hình BHNN, nhưng tính chất loại hình BHNN theo Quyết định số 22 chỉ tập trung cho rủi ro thiên tai, không có bảo hiểm loại hình rủi ro do dịch bệnh, nên người nuôi thủy sản chưa mặn mà tham gia, trong khi đó, đây là rủi ro rất lớn mà người nuôi thủy sản ở Trà Vinh thường gặp phải.
Vợ chồng anh Kiên Văn Quy, ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú mong muốn có chính sách BHNN về dịch bệnh trong nuôi tôm.
Đến ngày 31/7/2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải đây là những địa phương có diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng để triển khai Quyết định số 22 được 09 cuộc, với 366 người dự.
Quyết định số 22, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN: cây trồng: cây lúa; vật nuôi: trâu, bò; nuôi trồng thủy sản: tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Mức hỗ trợ phí BHNN: cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ 90% phí BHNN; cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ 20% phí BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp hỗ trợ 20% phí BHNN. Địa bàn được hỗ trợ phí BHNN: đối với cây lúa tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp). Đối với trâu, bò, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương. Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. |
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Kim Nhân, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN-PTNT Trà Vinh) cho biết: đối tượng tham gia chính sách này chưa thật sự quan tâm và hưởng ứng cao, nguyên nhân do không có cá nhân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để được hưởng mức hỗ trợ 90% phí bảo hiểm (nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cần có sở hữu đất đai và mức đầu tư tương đối cao so với các đối tượng thuộc diện hỗ trợ khác). Phạm vi bảo hiểm là rủi ro thiên tai chưa thật sự phù hợp với nguyện vọng của tổ chức, cá nhân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; trong khi đó, rủi ro trong nuôi tôm chủ yếu đến từ dịch bệnh nhưng việc bảo hiểm này chưa hướng đến loại hình trên.
Ông Trần Thanh Phong, Viên chức Nông nghiệp xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: đối với BHNN theo Quyết định số 22 cần mở rộng loại hình bảo hiểm rủi ro (ngoài thiên tai, cần có dịch bệnh...) và áp dụng đối với từng vùng, từng địa phương về những cây trồng, vật nuôi và thủy sản có nguy cơ cao về rủi ro. Vì qua bảo hiểm sẽ giúp người sản xuất có thể tái sản xuất sau khi xảy ra rủi ro từ số tiền bảo hiểm. Do đó, người dân ở địa phương khi so lại loại hình được hỗ trợ bảo hiểm (thiên tai) chưa thật sự phù hợp, nên không mặn mà tham gia.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hàng năm diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh khoảng 50.700ha; trong này diện tích nuôi tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) khoảng 29.000ha; còn lại là các đối tượng thủy sản khác... riêng trong năm 2019, dịch bệnh xảy ra trong nuôi trồng thủy sản đã làm thiệt hại 176 triệu con giống tôm sú (chiếm 11,2% lượng giống thả nuôi) trên diện tích 1.049ha và 711 triệu con giống tôm thẻ chân trắng (chiếm 17,8% lượng giống thả nuôi) trên diện tích 1.205ha.
07 tháng đầu năm 2020 dịch bệnh do đốm trắng, đỏ thân, vi bào tử trùng và hoại tử gan tụy đã làm thiệt hại 717,8 triệu con tôm sú và tôm thẻ chân trắng của 4.496 hộ nuôi, trên diện tích 1.535ha/7.961ha diện tích thả nuôi (chiếm 19,28%).
Nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Trà Cú, chủ yếu tập trung ở 02 đối tượng là tôm thẻ chân trắng và cá lóc; 07 tháng đầu năm 2020 đã có 1.289 hộ thả nuôi 132,8 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, trên diện tích 304ha và 637 lượt hộ thả nuôi 118,68 triệu con cá lóc giống, trên diện tích 190,5ha.
Từ thực tế trên, chúng tôi được ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú chia sẻ: hiện nay, các hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Trà Cú chỉ mong muốn được BHNN triển khai hỗ trợ ở lĩnh vực về bảo hiểm dịch bệnh; đối với bảo hiểm ở lĩnh vực thiên tai thì nên tập trung ở cây trồng (thường xuyên bị hạn hán, mặn xâm nhập....); còn nuôi thủy sản phần lớn diện tích nằm phía trong nội đồng và có đê bao khép kín nên rủi ro rất thấp và khó xảy ra, nên không có nhu cầu tham gia chính sách BHNN ở loại hình này.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.