27/07/2021 06:06
Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm cao. Xác định được mục tiêu, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện, đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, quốc phòng - an ninh đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn nâng lên thấy rõ.
Thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2021 ở Càng Long.
Tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại
Từ năm 2008 đến nay, huyện Càng Long chuyển đổi trên 2.184,624ha từ đất lúa kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, theo hướng từng bước tăng giá trị trên 01 đơn vị diện tích. Tập trung chỉ đạo xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm chủ lực, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Trong lĩnh vực trồng trọt, năm 2020, diện tích gieo trồng của huyện là 55.514,71ha (đạt 99,06% kế hoạch), tăng 11,59% so với năm 2008, trong đó, diện tích lúa xuống giống 34.320,71ha (đạt 97,5% so kế hoạch), giảm 23,54% so năm 2008, năng suất 5,4 tấn/ha (đạt 97,4% so kế hoạch), tăng 9,2% so với năm 2008. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường như: đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã An Trường, An Trường A, Tân Bình, Bình Phú, Phương Thạnh và Mỹ Cẩm với diện tích 1.460,6ha, sử dụng các loại giống lúa chất lượng cao OM5451, OM4900, năng suất bình quân 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với lúa thường; lợi nhuận bình quân cao hơn so với sản xuất lúa IR50404 khoảng 06 - 08 triệu đồng/01 ha. Diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và các loại cây khác 7.049ha (đạt 97,08% so kế hoạch), tăng 5,26% so với năm 2008; diện tích cây ăn trái, cây dừa 13.560ha (đạt 102,8% so kế hoạch), tăng 52,53% so với năm 2008.
Trong chăn nuôi, đàn heo tăng 0,61%; đàn bò, trâu tăng 25,66%; gia cầm tăng 57,55% so với năm 2008, đến nay có 100% hộ dân sử dụng giống heo lai kinh tế; trên 95% đàn bò sử dụng giống lai ngoại góp phần nâng cao tầm vóc và rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Thủy sản đa dạng về chủng loại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích thả nuôi 1.090ha; sản lượng thủy sản đạt 11.520 tấn cuối năm 2020, mang lại giá trị sản xuất ngành thủy sản 500 tỷ đồng. Có nhiều mô hình nuôi thủy sản hiệu quả như: mô hình nuôi lươn, ba ba, cua đinh, tôm càng xanh xen trong mương vườn, mô hình nuôi chuyên tôm càng xanh toàn đực để làm cơ sở nhân rộng, bên cạnh đó tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiện tại Nhân dân trong huyện phát triển nuôi cá lóc với diện tích 4,5ha, cá tra 09ha tập trung ở các xã Phương Thạnh, Huyền Hội và Đức Mỹ.
Chương trình cơ giới hóa nông nghiệp được ứng dụng ngày càng rộng rãi, 100% khâu làm đất, bơm tát nước, 95% khâu thu hoạch lúa được cơ giới hóa, phun thuốc, sấy lúa bằng máy góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tỷ lệ hao hụt; nhiều mô hình kinh tế được quan tâm hỗ trợ thực hiện mang lại hiệu quả tích cực như: mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Mỹ Cẩm, trồng nấm bào ngư ở xã An Trường, trồng quít đường ở xã Bình Phú, trồng hoa lan ở xã Nhị Long.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn
Nông dân xã Phương Thạnh, huyện Càng Long thu hoạch thanh long. |
Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26, đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,5 triệu đồng/năm, tăng gấp 07 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 là 460 hộ (chiếm 1,12%), giảm 18,68% so với năm 2008.
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 419/QĐ-UBND, ngày 04/04/2012 của UBND tỉnh Trà Vinh được thực hiện tốt, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 63,39%; có 99,96% người trong độ tuổi có khả năng lao động có việc làm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân nông thôn được đẩy mạnh; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” được quan tâm thực hiện tốt. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao được đầu tư phát triển, phong tục, tập quán về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được quan tâm giữ gìn và phát huy, đến nay huyện Càng Long có 100% xã có nhà văn hóa, 100/111 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, NTM; 13/13 xã đạt chuẩn văn hóa NTM.
Giáo dục - đào tạo vùng nông thôn được quan tâm phát triển theo hướng bền vững và toàn diện, huyện Càng Long hiện có 28 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; công tác phổ cập giáo dục các cấp được quan tâm, có 13/13 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đến nay, 100% trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và 100% trạm đều có bác sĩ; dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,61%.
Công tác vệ sinh môi trường nông thôn có chuyển biến tích cực, các thói quen, thủ tục lạc hậu dần được cải tạo, xóa bỏ. Tỷ lệ hộ gia đình xây dựng và sử dụng hố xí, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh và thực hiện “3 sạch” ngày càng tăng, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,8%; đến nay, toàn huyện có 66 tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp với tổng chiều dài khoảng 126,64km.
Bà Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên địa bàn huyện đạt trên 10%, trong đó, có sự đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, gắn với việc tuyên truyền XDNTM, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới; tạo đồng thuận và hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; XDNTM gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030; tầm nhìn đến năm 2045 Nông nghiệp: phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 05% năm; giá trị sản phẩm/01ha đất canh tác bình quân năm 2025 đạt trên 120 triệu đồng; đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng.
Nông dân: tỷ lệ nhà ở đạt theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng từ 95% trở lên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên; hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 99,8%; hộ sử dụng nước sạch đạt 98% trở lên; thu gom rác thải tập trung đạt 100%; tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; trên 95% trường học các cấp đạt chuẩn về cơ sở vật chất; chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo theo đề án của huyện đề ra, đảm bảo lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện dưới 02% theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2020 - 2025; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 - 90 triệu đồng/người/năm. Nông thôn: phát triển nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, phấn đấu từ năm 2020 - 2025 đạt các chỉ tiêu: nâng cao chất lượng 13/13 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu có 09 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 02 xã đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; huyện Càng Long trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.
|
Bài, ảnh: KIM LOAN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.