25/03/2022 07:12
Các thành viên trong nhóm thu hoạch cam của ông Nguyễn Thanh Tùng, Ấp 1, xã Thạnh Phú vận chuyển cam sành sau khi thu hoạch ra điểm tập kết ở Ấp 4, xã Thạnh Phú.
Ông Lê Hoàng Lam, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè cho biết: từ vài người làm thuê cho chủ vườn cam sành, hiện nay số lao động trong dây chuyền thu hoạch, vận chuyển cam sành từ mùa vụ đã chuyển sang lao động thường xuyên, được liên kết hình theo tổ/nhóm có vai trò phối hợp, công việc được phân công của trưởng tổ/nhóm. Các tổ/nhóm trưởng tự nguyện huy động lao động tham gia. Nên thời gian làm việc của các lao động này liên tục kéo dài từ 10 - 11 tháng/năm và luân chuyển theo các chủ vựa cam thuê hái cam từ trong huyện đến các huyện của tỉnh bạn.
Theo số liệu của các xã vùng trọng điểm trồng cam sành ở huyện Cầu Kè như: Thông Hòa, Thạnh Phú, Tam Ngãi, Hòa Ân, Châu Điền, Phong Thạnh… hiện có khoảng 800 lao động nông thôn tham gia vào các tổ/nhóm thu hoạch cam sành; bình quân mỗi xã có 05 - 15 tổ/nhóm thu hoạch cam sành, thu hút từ 10 - 15 thành viên/tổ/nhóm. Với diện tích trồng cam sành hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè khoảng 3.500ha, chủ yếu ở các xã Thạnh Phú 1.000ha, Thông Hòa 782ha, Tam Ngãi 500ha... Hiện nay, việc trồng cam sành không còn tập trung theo mùa vụ, nên thời gian thu hoạch kéo dài quanh năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè tham gia vào đội thu hoạch cam thuê của xã Hựu Thành (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: cả nhà có 03 lao động tham gia vào nghề thu hoạch cam mướn hơn 01 năm nay, việc làm khá thường xuyên, mỗi tháng chỉ nghỉ 01-02 ngày; thu nhập khoảng 400.000 đồng/ngày/lao động. Do hiện nay, các địa phương trong và ngoài huyện Cầu Kè trồng cam sành rất nhiều, nên các vườn cam có trái quanh năm và được thương lái thu mua cam sành liên tục; từ đó lao động thuê thu hoạch cam cũng gắn kết chặt với các thương lái mua cam.
Việc thu hoạch cam sành đã chuyển sang lao động thường xuyên, nhờ vai trò của các tổ/nhóm trưởng trong phối hợp nhịp nhàng với các lái thu mua cam sành. Ông Triệu Văn Nhanh, Bí thư Đảng ủy xã Thông Hòa cho biết: xã Thông Hòa có gần 300 lao động tham gia vào lực lượng thu hoạch cam sành, tập trung ở các ấp Ố Chích, Rạch Nghệ, Trà Mẹt, Kinh Xuôi… mỗi ấp có từ 03 - 05 tổ/nhóm thu hoạch cam sành. Thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày/lao động, qua đó góp phần rất lớn nhằm giải quyết lao động địa phương.
Qua tìm hiểu về công việc thu hoạch cam sành thuê, chúng tôi được ông Trần Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ thu hoạch cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa cho biết: hoạt động của tổ được hơn 03 năm, lúc đầu chỉ có 08 lao động, đến nay có 11 lao động. Hoạt động của tổ được thực hiện khép kín và có sự phân công cụ thể cho từng thành viên. Sau khi lái hoàn thành việc thỏa thuận mua cam của nhà vườn, sẽ liên hệ đặt lịch thu hoạch với tổ/nhóm trưởng. Tùy từng vườn cam lớn hay nhỏ, mà huy động lực lượng tham gia (có khi 02 - 03 tổ/nhóm cùng tham gia) vào thu hoạch và sản lượng được tính theo đầu tấn cam (bình quân 700.000 - 800.000 đồng/tấn cam). Một tổ/nhóm khoảng 10 lao động có thể thu hoạch 10 - 12 tấn cam/ngày (tùy vào đoạn đường vận chuyển cam từ vườn ra ngoài bãi tập kết của xe tải).
Trong quá trình thu hoạch cam, tổ, nhóm phải chịu các thỏa thuận của thương lái, như để cam hư hỏng (dập), cháy nắng (không che cam sau khi thu hoạch xuống…) sẽ khấu trừ lại phần thiệt hại do người thu hoạch cam gây ra.
Cũng theo ông Trần Văn Thanh, các thành viên trong tổ thu hoạch cam, đối với phụ nữ thì phụ trách thu hoạch và vào sọt (dụng cụ đựng cam), mỗi sọt 35kg và được lao động nam vận chuyển bằng xe gắn máy ra điểm tập kết để lên xe tải. Trong quá trình vận chuyển cam, nếu lao động có xe gắn máy tham gia chở cam, sẽ được hỗ trợ thêm 60.000 đồng/tấn cam. Vì vậy thu nhập của các lao động trong tổ/nhóm thu hoạch cam sành cũng khác nhau: lao động nữ chuyên hái cam, khoảng 200.000 đồng/08 giờ; đối với lao động nam vừa hái vừa vận chuyển cam, thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày (10 - 12 tiếng).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.