16/07/2020 15:07
Thu hoạch lúa ở cánh đồng lớn xã Phong Phú, huyện Cầu Kè.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), huyện Cầu Kè đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; chuyển đổi các diện tích đất canh tác kém hiệu quả đối với các vùng sản xuất không phù hợp, thường nhiễm mặn sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao…
Đến cuối tháng 6/2020, Cầu Kè đã xây dựng 03 sản phẩm thương hiệu gồm: dừa sáp Hòa Tân, măng cụt Tân Qui, cam sành Trà Ốt và 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trong phân hạng OCOP của tỉnh (bưởi da xanh), có 02 hợp tác xã (HTX) được chứng nhận VietGAP (HTX xoài cát chu và HTX bưởi da xanh) và 01 tổ hợp tác chôm chôm Java Tân Qui. Trong giai đoạn 2015-2020, nông nghiệp huyện Cầu Kè phát triển ổn định và toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong này, kinh tế nông thôn không ngừng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được mở rộng; cơ cấu sản xuất trồng trọt được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn; các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường được nông dân tập trung hướng đến. Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng, người chăn nuôi đã chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang hình thức gia trại, trang trại, từng bước chủ động sản xuất con giống tại địa phương, giảm thiểu tác động của thị trường cây, con giống.
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp ở Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung đứng trước các thử thách như: được mùa mất giá, tình trạng trồng - chặt vẫn còn tiếp diễn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn, phát sinh; mặn xâm nhập, khô hạn ngày càng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp. Những năm qua, tuy nhiều loại nông sản không ngừng tăng năng suất, sản lượng, song gần như không tăng lợi nhuận theo tỷ lệ thuận trong sản xuất cho nông dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: muốn nâng cao giá trị trong nông nghiệp, phát triển và nâng cao thu nhập cho nông dân… cần đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hướng thích ứng với BĐKH; sản xuất theo hướng sạch, an toàn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng và theo nhu cầu thị trường, trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm.
Vì vậy, đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa; phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, liên kết sản xuất gắn với chế biến, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao năng lực hoạt động của hình thức kinh tế tập thể,đổi mới phát triển kinh tế hợp tác và HTX. Khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh giữa các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong này cần hướng tới phát triển loại hình HTX làm dịch vụ sản xuất; làm tốt dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để cung ứng vật tư và thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Khuyến khích các hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng nội bộ cho các thành viên.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.