19/12/2020 09:22
Nông dân Trần Thị Phượng bên rẫy khổ qua được trồng trên đất lúa chuyển đổi.
Trong vụ lúa đông-xuân năm 2019-2020, do ảnh hưởng khô hạn và mặn đã có 4.895 hộ với 5.339/5.683ha lúa bị thiệt hại. Việc chuyển đổi các diện tích không sản xuất lúa đông-xuân ở Cầu Ngang sang màu gặp không ít khó khăn như: các vùng sản xuất lúa nằm sâu trong nội đồng, xa trục đường chính và chưa có điện sản xuất… Hiện nay, trong tổng số diện tích sản xuất lúa đông-xuân có khả năng chuyển sang trồng màu được khoảng 500ha, chủ yếu ở các vùng đất triền giồng, gò cao ở các xã Nhị Trường, Hiệp Hòa, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Thuận Hòa. Các loại màu được nông dân tập trung chuyển đổi mạnh là đậu phộng, dưa hấu, bí đỏ, ớt và rau củ…
Ghi nhận tại xã Long Sơn, là địa phương có 100% diện tích lúa đông-xuân xuống giống năm 2019-2020 bị thiệt hại (214ha); theo ông Lư Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Long Sơn: đối với các diện tích màu, như rau, củ, quả được trồng hiện nay, chủ yếu nông dân tự tiêu thụ ngoài thị trường, chưa có đầu ra ổn định; do đó, khi tập trung chuyển đổi với diện tích lớn từ đất trồng lúa đông-xuân sang trồng màu gặp rất nhiều khó khăn nên nông dân chưa mặn mà. Hiện nay, chỉ có diện tích trồng đậu phộng là có nguồn tiêu thụ mạnh, trên 50% sản lượng đậu của địa phương được thương lái liên kết thu mua và vận chuyển đi bán cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Hàng năm, diện tích trồng màu của Long Sơn khoảng 3.000ha; riêng trong vụ màu mùa khô (vụ màu đông-xuân) có khoảng 2.000ha; trước khuyến cáo chuyển đổi đất sản xuất lúa đông-xuân sang trồng màu mùa khô năm nay, xã Long Sơn sẽ tăng thêm diện tích màu (chuyển từ đất lúa sang) khoảng 50ha, tập trung ở ấp Ô Răng, Sóc Mới, Bào Mốt, Sóc Giụp. Nông dân Trần Thị Phượng, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang chia sẻ: hơn 02 năm nay, gia đình đã chuyển 0,4ha đất trồng lúa sang trồng màu; vụ màu hiện nay đang trồng khổ qua. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh và khổ qua có giá, dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg và năng suất khoảng 10 tấn, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/vụ/0,4ha.
Còn nông dân Huỳnh Văn Liền, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: gia đình có ít đất (0,12ha) nên chỉ chuyên trồng màu; vụ màu đông - xuân gia đình trồng giống bầu Nông Hội. Sau 1,5 tháng trồng là cho thu hoạch và thời gian kéo dài khoảng 50 ngày (mỗi ngày cắt 120-150kg bầu) và giá bán khoảng 5.500 đồng/kg; 01 vụ bầu cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Theo ông Kim Sô Phan, cán bộ Nông nghiệp - Địa chính xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang: địa phương có diện tích trồng màu chuyên canh khoảng 400ha và đất luân canh dưới chân ruộng thường dao động khoảng 30ha; các loại màu được nông dân tập trung trồng nhiều là dưa hấu 1.273ha, đậu phộng 762ha, khoai lang 100ha, khoai mì 61ha, bắp các loại gần 80ha, ớt 40ha, khổ qua 28ha và rau các loại 752ha… Đối với các vùng chuyên canh màu hiện cơ bản được nông dân đầu tư giếng khoan và có lưới điện sản xuất phủ khắp. Riêng khu vực mới chuyển đổi đất lúa theo hình thức luân canh màu + lúa, đa số diện tích này chưa được đầu tư hạ tầng phục vụ cho trồng màu, nên việc chuyển đổi rất khó cùng với đó là đầu ra cho cây màu khi chuyển đổi diện tích trồng tập trung quá lớn không có liên kết với doanh nghiệp.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.