28/06/2023 10:12
Trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất
Đồng hành với nông dân trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân trong huyện tranh thủ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, của tỉnh, ngân sách huyện, Hội đã đầu tư gần 04 tỷ đồng hỗ trợ 133 hội viên nông dân thực hiện 14 dự án chăn nuôi và trồng trọt, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Ngoài ra, Hội còn nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý 118 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ gần 198 tỷ đồng, giúp trên 5.000 lượt hội viên nông dân vay phát triển kinh tế.
Các thành viên THT sản xuất ấp Giồng Lớn tham quan mô hình nuôi lươn của nông dân Nguyễn Thanh Tùng.
Điển hình như nông dân Nguyễn Thanh Tùng, ấp Giồng Lớn, xã Vinh Kim được Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đầu tư nuôi 03 ao lươn cho biết thêm: khó khăn hiện nay thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm không lớn, hầu như bán nhỏ lẻ nên việc mở rộng diện tích nuôi lươn chưa cao. So với con nuôi khác, mô hình nuôi lươn đem lại hiệu quả cao, phù hợp với những gia đình có điều kiện ít vốn, ít diện tích. Để nghề nuôi lươn trên địa bàn ngày phát triển, địa phương tạo điều kiện liên kết đầu ra, giúp nông dân yên tâm mạnh dạn phát triển. Với 03 ao nuôi, bình quân khoảng 3.000 con lươn giống/ao. Sau 08 tháng nuôi năng suất đạt 450 - 500kg/ao, giá bán 110.000 đồng/kg, lợi nhuận 30.000 đồng/kg.
Nông dân Mai Chí Thanh, ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây được hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng xây dựng 04 ao trên diện tích 20m2, nuôi 6.000 con lươn giống. Ông Thanh cho biết: so với những con nuôi khác, diện tích nuôi lươn nhỏ, thời gian nuôi 09 tháng thu hoạch. Theo ước tính, chi phí đầu tư nuôi 04 ao lươn trên 65 triệu đồng, sản lượng đạt từ 01 - 1,2 tấn, giá bán 108.000 đồng/kg, tổng thu nhập 120 triệu đồng, lợi nhuận 55 triệu đồng. Tuy mô hình nuôi lươn hiện nay thuận lợi nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn, phần lớn các hộ nuôi lươn bán lẻ, sức tiêu thụ không mạnh nên nông dân ngại việc mở rộng.
Đồng chí Nguyễn Thành Triết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Mỹ Tây cho biết: để tạo động lực khuyến khích nông dân thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong năm 2022, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội Nông dân xã đầu tư 500 triệu đồng hỗ trợ 10 hộ nông dân nuôi lươn không bùn bước đầu đạt kết quả khả quan.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay với tổng dư nợ gần 14 tỷ đồng, giúp 356 hộ nông dân vay phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp hướng dẫn các chi hội xây dựng 11 điểm mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác (THT) hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả mang lại hiệu quả cao: mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản, trồng màu kết hợp nuôi bò, nuôi cua biển trong hộp,… trong đó có 02 mô hình chăn nuôi được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với số tiền 500 triệu đồng.
Giải pháp xây dựng các mô hình kinh tế tập thể
Thực hiện Nghị quyết số 10-ND/HNDTW, ngày 30/7/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với vùng, ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực.
Đến nay, các cấp Hội thành lập 47 THT, củng cố 27 THT theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ về THT, nâng đến nay có 74 THT hoạt động do Hội trực tiếp quản lý với 1.181 thành viên. Các THT tiêu biểu hoạt động hiệu quả như: THT sản xuất lúa hữu cơ ấp Bình Tân, xã Hiệp Hòa, THT sản xuất lúa giống xã Trường Thọ, THT nuôi lươn không bùn xã Kim Hòa và 11 THT nuôi bò sinh sản được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân... Bên cạnh đó, các cấp Hội trong huyện luôn tập trung vận động hội viên tham gia thành lập 12 hợp tác xã (HTX), nâng đến nay trên địa bàn huyện có 23 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 1.355 thành viên; tiêu biểu có HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc, HTX nông nghiệp Nhị Trường, HTX nông nghiệp Hòa Hưng, xã Mỹ Hòa...
Điển hình như HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc đã triển khai hiệu quả 02 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững như dưa hấu và bí đỏ. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Châu, hội viên nông dân ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc cho biết: bí đỏ là cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, từ thời điểm trồng cho đến thu hoạch khoảng 02 tháng, giai đoạn đầu bí đỏ mới ra hoa đậu trái non, nông dân chọn những bông bí khỏe thụ phấn để đậu trái, những bông bí còn lại người trồng thu hoạch bông bí, đọt bí đem bán. Bông bí thu hoạch từ 01 - 02 tháng, nguồn thu nhập bông bí nông dân có thể thu hồi vốn và lợi nhuận trọn phần trái bí ở cuối vụ. Với 0,2ha bí đỏ, sau 02 tháng trồng, năng suất đạt 04 tấn, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng.
Đồng chí Trần Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Long Bắc cho biết: HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ hiện có 56 thành viên tham gia sản xuất 42ha luân canh 02 vụ dưa hấu và bí đỏ - 01 vụ lúa, lợi nhuận bình quân đạt từ 80 - 150 triệu đồng/ha/vụ màu. Khoảng 02 năm gần đây, HTX liên kết ứng dụng thành công dưa hấu trồng theo quy trình hữu cơ, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, lợi nhuận bình quân 20 - 24 triệu đồng/0,1ha. Tuy sản xuất dưa hấu hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng các thành viên chưa mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất dưa hấu hữu cơ, đầu ra chưa mạnh, trong khi đó sản lượng thu hoạch 01 lần với số lượng lớn nên khó tiêu thụ hết trong thời gian ngắn.
Đối với cây bí đỏ, các thành viên HTX tập trung sản xuất hết diện tích, do chi phí đầu tư bí đỏ ít, nông dân có thể thu hồi chí phí từ thu nhập bông bí, đọt bí, lợi nhuận từ trái bí. Giá bí đỏ năm nay dao động từ 5.000 - 5.200 đồng/kg, nông dân lợi nhuận 08 - 10 triệu đồng/0,1ha.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.