23/09/2021 07:52
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, trên địa bàn có 17.527 hộ nuôi bò với 48.656 con, tập trung đều ở các xã, thị trấn. Thời gian gần đây, xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò ở 08 xã của huyện, gồm: Long Sơn, Nhị Trường, Kim Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Vinh Kim, Trường thọ, Thuận Hòa, Hiệp Mỹ Đông; đến nay đã có 05 con chết và được tiêu hủy, trọng lượng 1,228 tấn. Trong đó, xã Trường Thọ và Nhị Trường là địa phương có số bò mắc bệnh cao nhất. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, đến ngày 15/9/2021, huyện tăng cường công tiêm phòng vắc-xin miễn phí cho hơn 24.843 con bò; phát động hộ nuôi tiêm vắc-xin theo hình thức xã hội hóa khoảng 8.366 con. Cấp phát 708 lít thuốc phun xịt, cấp phát 1.035 tờ bướm, áp phích tuyên truyền về bệnh viêm da nổi cục.
Nông dân Kiên Prực, ấp Ba So, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang là một trong những hộ dân có bò bị bệnh viêm da nổi cục cho biết: khoảng 04 ngày trước khi phát hiện có 02/09 con bò có dấu hiệu bị nổi cục, sau đó ông cách ly 02 con bò bị bệnh sang nuôi ở khu vực chuồng trại khác và thông báo cho cán bộ, ấp xã để có hướng xử lý kịp thời. Địa phương đã cử cán bộ thú y đến khảo sát và kết luận bò bị bệnh viêm da nổi cục và tiến hành xử lý phun xịt khử trùng và cấp phát vắc-xin tiêm phòng cho các con bò còn lại. Nhờ phát hiện và xử lý kịp thời, nên bò bị bệnh đang trong giai đoạn khôi phục.
Theo ông Kiên Prực, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề chăn nuôi, với 11 con bò và heo sinh sản, bò là con nuôi chủ lực góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình ổn định trong nhiều năm qua, tổng lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Trong quá trình chăn nuôi, ông bố trí dự phòng 02 chuồng trại để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn nuôi khi có tình huống xảy ra. Nhờ vậy, khi bò phát bệnh ông tiến hành xử lý vệ sinh chuồng trại và cách ly bò bị bệnh ra khỏi đàn, tránh tình trạng lây lan nhanh cả đàn.
Nông dân Thạch Thanh Sang, ấp Tân Lập, xã Long Sơn là hộ cận nghèo, quanh năm sống bằng nghề làm phụ hồ, thu nhập 270.000 đồng/ngày. Ông Sang cho biết: những năm trước, ông được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay 40 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản. 02 tháng nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tôi ở nhà chăm sóc 0,6ha lúa và 04 con bò nuôi, gần đây 02 con bò của gia đình bị bệnh viêm da nổi cục. Khi phát hiện bò bị bệnh tôi thông báo với cán bộ ấp đề nghị sớm hỗ trợ vắc-xin để tiêm phòng 02 con chưa bị bệnh...
Theo ông Kim Sô Phan, công chức nông nghiệp xã Long Sơn, xã có 5.147 con bò, trong đó có 30 con bò bị bệnh viêm da nổi cục, 01 con chết và được tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục, xã đã tích cực
phân công cán bộ thú y tiến hành tiêm phòng vắc-xin và phun thuốc khử trùng chuồng trại trên địa bàn 03/09 ấp có đàn bò bị bệnh nhiều. Khó khăn hiện nay của xã do lực lượng cán bộ thú y của xã ít nên việc thực hiện công tác tiêm phòng và phun thuốc khử trùng còn hạn chế, nên xã phát động người nuôi ở các ấp ít bò bị bệnh tiêm phòng vắc-xin bằng hình thức xã hội hóa để hạn chế tình trạng dịch bệnh phát sinh mới.
Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và tình hình thực hiện nghị quyết của huyện, vì thế huyện quyết liệt tập trung đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò và các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da nổi cục.
Nông dân Thạch Thanh Sang, ấp Tân Lập, xã Long Sơn phun thuốc trị bệnh viêm da nổi cục cho bò.
Hướng dẫn hộ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức vệ sinh, sát trùng, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Kiểm tra kiểm soát tại các tuyến giao thông, đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò và sản phẩm trâu bò. Tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu bò. Tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát dứt điểm các ổ dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến từng hộ nuôi, nhằm phát hiện sớm xử lý kịp thời. Không chủ quan lơ là mất cảnh giác để hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.