26/02/2022 09:11
Công nhân theo dõi, chăm sóc heo sinh trong mô hình chăn nuôi heo khép kín an toàn sinh học tại hộ ông Trần Văn Đực.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: hiện nay, tình hình bệnh DTHCP đang diễn biến phức tạp; cùng với đó, đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến đàn vật nuôi chưa kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, dễ mắc bệnh. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh có thể phát sinh và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Bệnh DTHCP hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp như tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống chất lượng tốt. Thường xuyên bổ sung các thuốc trợ sức, trợ lực nhằm tăng sức đề kháng cho đàn heo. Nhất là thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăn nuôi, đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Có thể nói mô hình nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học đang trở thành xu thế tích cực trong chăn nuôi, với các đặc điểm của mô hình như: quản lý, kiểm soát được nguồn đầu vào có nguy cơ mang mầm bệnh (con người, động vật, con giống, vận chuyển…); cùng với đó, xung quanh khuôn viên nuôi được bảo vệ bằng hàng rào và khử khuẩn (buồng Ozon) với các vật dụng khi đưa vào khu vực nuôi. Trong khu chăn nuôi thực hiện riêng lẻ, khép kín tại từng tiểu khu nuôi với từng giai đoạn sinh trưởng của con heo. Đặc biệt, các chất thải, nguồn nước trong quá trình cấp và thoát đều được xử lý trước khi đưa ra ngoài hoặc vận chuyển vào… Điển hình như mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học tại trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Đực ngụ ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang với quy mô 465 con heo nái và 2.500 heo thịt.
Theo khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với con giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, dụng cụ nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải đúng nơi quy định (có thể chôn hoặc đốt, làm biogas). Định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh; phương tiện vận chuyển heo, thức ăn phải được sát trùng kỹ mỗi lần ra vào trại, khu vực chăn nuôi; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại, cơ sở chăn nuôi. Trước khi vào khu chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh thú y, bảo hộ lao động (quần áo, ủng...) và tiêu độc, khử trùng trước khi vào trại. Ở đầu mỗi trại phải có hố sát trùng. Hạn chế tối đa khách tham quan và người lạ ra vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Thường xuyên kiểm tra thể trạng heo nhằm phát hiện sớm những bất thường (uể oải, ủ rũ, kém ăn) để có biện pháp xử lý kịp thời; khi mua con giống mới, cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất từ 10-15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới thả vào đàn nuôi cũ. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn heo theo đúng lịch trình phòng bệnh để tạo miễn dịch chủ động, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần phải tiêm phòng bắt buộc bằng vắc-xin,…
|
Ông Trần Văn Đực cho biết: từ lúc có bệnh DTHCP xảy ra (năm 2019), trên địa bàn huyện Cầu Ngang cũng như các hộ nuôi xung quanh đều chịu ảnh hưởng; tuy nhiên, với mô hình nuôi khép kín an toàn sinh học của gia đình đến nay đã ngăn chặn tốt dịch bệnh. Trước tiên, người nuôi phải quản lý được con người ra vào khu chăn nuôi, ngay cả nhân viên và các vật dụng mang theo phải được diệt khuẩn (thông qua tủ Ozone, tia cực tím) được lắp đặt ngay từ phía cổng vào; vận chuyển heo khi xuất bán phải đưa ra xa khu chăn nuôi. Các khu nuôi được thiết kế kín và lắp máy quạt hút mùi, chất thải được thu hồi qua hệ thống bơm hút và đưa vào máy vắt phân, còn nước thải sẽ chuyển vào hầm biogas…
Cũng theo ông Trần Văn Đực, về nguồn gốc giống phải có bước chuẩn bị ngay từ giai đoạn đầu sau khi nhập về sẽ tiêm phòng đầy đủ các loại và thực hiện phối giống tại trại để tạo nguồn heo giống bố mẹ. Với quy trình nguồn giống khép kín, sẽ giúp cho người nuôi theo dõi, kiểm soát được tình hình sức khỏe của heo cũng như các yếu tố về dịch tễ… Hiện trang trại heo của gia đình gồm có 01 trại chuyên heo nọc giống, 02 trại nuôi heo mang thai, 02 trại nuôi heo trong giai đoạn chuẩn bị trước khi đẻ, 01 trại nuôi heo hậu bị (khoảng 450 con nái), 02 trại nuôi heo cai sữa (khoảng 1.000-1.200 con) và 03 trại heo thịt (300-500 con/trại). Tại từng khu trại đều lắp đặt hệ thống nuôi lạnh khép kín.
Theo ông Lê Văn Đông trong thời gian tới, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, nhất là bệnh DTHCP, các địa phương cần tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTHCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng bệnh đến với hộ chăn nuôi. Huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Hiện nay, đối với các địa phương xảy ra dịch bệnh DTHCP, tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh và lây lan diện rộng; xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; triển khai thực hiện và hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...) nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; đồng thời, thực hiện thủ tục công bố hết dịch khi đủ điều kiện theo quy định.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần thực hiện theo nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo mắc bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo mắc bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi heo.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.