18/01/2021 08:15
Ông Nguyễn Văn Bảy chăm sóc rẫy màu của gia đình.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện chuyển đổi trên 220ha từ đất vườn, đất lúa chuyển sang trồng màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản, trồng cỏ nuôi bò... duy trì 03 cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao 1.055ha; sản xuất lúa hữu cơ sinh học trên 105ha và trên 47ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, năng suất 05 tấn/ha, giá trị tạo ra/01kg lúa hàng hóa tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất đại trà; 01 mô hình cánh đồng lớn (trồng dừa) 60ha. Một số sản phẩm chủ lực được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP như: thanh long ruột đỏ 15,2ha ở ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa, sản lượng trên 229 tấn/năm; bưởi da xanh 27,5ha, ở ấp Ô Chích, xã Lương Hòa, sản lượng 2.735 tấn/năm; rau màu 18,5ha, ở ấp Đa Hòa Bắc, ấp Kinh Xáng, xã Hòa Lợi và ấp Đa Hậu, xã Phước Hảo, sản lượng 1.134 tấn/năm; dưa lưới 1,3ha, ở xã Lương Hòa A, sản lượng 118 tấn/năm. Sản phẩm được chứng nhận an toàn: 12ha sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Mỹ, xã Hưng Mỹ và 01 nhà lưới sản xuất rau an toàn 1.000m² của Công ty Giống cây trồng Trà Vinh, ấp Bình La, xã Lương Hòa. |
Huyện Châu Thành có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tích cực chỉ đạo Nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như chăn nuôi gà thả vườn, nuôi heo, nuôi bò, trồng màu xuống chân ruộng lúa, trồng rau an toàn, thực hiện mô hình cánh đồng lớn lúa… nhìn chung, các mô hình đều phát huy hiệu quả, nhiều mô hình lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ ấp Thanh Nguyên B, xã Mỹ Chánh cho biết: vừa qua, chính quyền địa phương vận động gia đình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó đưa cây màu xuống chân ruộng làm khâu đột phá. Gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển 1,3ha đất chuyên trồng lúa sang trồng màu. Màu tôi chọn trồng là khổ qua, cà nâu, ớt, dưa leo… trung bình mỗi héc-ta lợi nhuận 120 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với độc canh cây lúa. Ngoài ra, khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng màu, nông dân ở đây được xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cây màu nên nông dân rất an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Mười, ngụ ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa cho biết: hưởng ứng chuyển đổi cơ cấu sản xuất do xã phát động, gia đình tôi mạnh dạn cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng chanh xen dừa với diện tích 0,3ha, mỗi năm cho lợi nhuận trên 50 triệu đồng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Châu Thành đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn gặp phải một số khó khăn, như giá một số sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, trong khi giá vật tư đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng; thiếu lao động; một số doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhưng diện tích còn ít; diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún gây trở ngại cho việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất; công tác kiểm tra, kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt còn gặp nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm.
Ông Trương Kính Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: trên lĩnh vực trồng trọt, huyện đã và đang tiến hành rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, lợi thế của các địa phương và nhu cầu thị trường. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, như rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất kém hiệu quả kinh tế để bổ sung đưa vào quy hoạch chuyển đổi; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển các vùng sản xuất có liên kết, thuận lợi trong việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung,... đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cây trồng có năng suất cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường và xuất khẩu.
Để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, huyện cần triển khai thực hiện xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nhằm cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Để đạt được kết quả tốt nhất, huyện tăng cường tuyên truyền nội dung đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở và cộng đồng dân cư nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa; liên kết hàng hóa trong sản xuất và xã hội hóa đầu tư, đảm bảo tính bền vững. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp, trên cơ sở lợi thế sản phẩm của địa phương. Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng giữa các doanh nghiệp với nông dân. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.