04/02/2020 07:00
Do độ mặn tăng cao, cống Đa Lộc đã đóng kín, góp phần ngăn mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tại xã Đa Lộc, vụ lúa đông - xuân 2019- 2020, toàn xã xuống giống 2.520ha, trước khi bước vào vụ lúa đông - xuân dù xã đã chuẩn bị khá chu đáo về lịch thời vụ, nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng, nhưng năm nay, nước mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng nên các cống đầu mối đều đóng cửa, tình trạng thiếu nước bơm tát trầm trọng, hiện độ mặn tại các tuyến kênh nội đồng dao động khoảng 0,9‰. Ông Thạch Trúc Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Xã đã tuyên truyền người dân tận dụng các con nước khi độ mặn cho phép để tranh thủ bơm tát lên ruộng, trong ao hồ để trữ nước phục vụ lúa; thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để theo dõi hạn, mặn mà có biện pháp xử lý phù hợp.
Đang tát nước cho 1,5ha lúa, ông Thạch Trung ngụ ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc nói: Hơn 02 tuần qua, tình trạng thiếu nước bơm tát cho ruộng lúa ở đây diễn ra phức tạp, do nhiều người túc trực máy để bơm, nên có lúc con kênh nội đồng này không còn đủ nước để tát, nhiều diện tích lúa nằm cách xa tuyến kênh nội đồng phải bơm nước chuyền vài trăm mét, vụ lúa này nguy cơ thiệt hại do hạn, mặn là rất lớn.
Còn bà Thạch Thị Hồng, ngụ Khóm 4, thị trấn Châu Thành cho biết: Gia đình tôi sạ được 2,2ha lúa, lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Hơn 02 tuần qua, mực nước trong kênh quá thấp, đôi lúc không có nước bơm tát. Hiện độ mặn ở các cống đầu mối đang gia tăng. Diện tích lúa của gia đình đang có dấu hiệu bị ảnh hưởng, khi tát nước vào gặp phải nước phèn, một số diện tích lúa nằm xa ở các tuyến kênh thủy lợi nội đồng bị xì phèn chết cây rất nhiều, một số diện tích còn lại cũng có hiện tượng bệnh cháy lá, gia đình đang nỗ lực chăm sóc để cứu lúa.
Ông Nguyễn Văn Mến, Giám đốc Xí nghiệp thủy nông huyện Châu Thành cho biết: Năm nay độ mặn xuất hiện sớm và tăng cao hơn so với cùng kỳ, độ mặn trong và ngoài các cống dao động ở mức cao, nên tất cả các cửa cống thường xuyên bị đóng kín, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Xí nghiệp đang cố gắng tận dụng khả năng lấy nước tối đa các cống trong toàn huyện khi độ mặn cho phép; tiếp tục khai thông dòng chảy ở những tuyến kênh do Xí nghiệp quản lý; vận hành, điều tiết các cống lấy nước ở các khu vực để phân phối nước hợp lý phục vụ tưới, tiêu.
Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành ông Nguyễn Mạnh Thái cho biết: Vụ lúa đông-xuân, toàn huyện xuống giống được 11.915ha, lúa đang trong giai đoạn 25-50 ngày tuổi, hiện 100% diện tích lúa có nguy thiệt hại do hạn, mặn, trong đó có 3.748ha lúa ở xã Hòa Lợi, Phước Hảo, Đa Lộc và thị trấn Châu Thành có nguy cơ thiệt hại cao. Qua kiểm tra ruộng lúa và đo độ mặn, nước tại các tuyến kênh nội đồng tại xã Hòa Lợi, Phước Hảo có độ mặn khoảng 02‰, bên trong ruộng lúa 03‰, một số diện tích lúa đã có dấu hiệu thiệt hại; riêng các xã còn lại trong huyện, độ mặn tại các tuyến kênh nội đồng dao động khoảng 0,9‰. Hiện trạm chỉ đạo cán bộ kỹ thuật kiểm tra độ mặn thường xuyên, cảnh báo cho nông dân về tình hình hạn, mặn để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu tình trạng khô, hạn, mặn kéo dài, nguy cơ xảy ra thiệt hại trên cây lúa rất lớn. Để đảm bảo việc phòng hạn, mặn, bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ đông-xuân và sinh hoạt của nông dân, UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cần theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước, thường xuyên tổ chức kiểm tra cụ thể nguồn nước trữ tại các sông, kênh, rạch. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. UBND huyện Châu Thành cũng yêu cầu các ngành chức năng huyện và các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình hạn, mặn để thông báo và kịp thời triển khai đến nông dân thực hiện các giải pháp phòng hạn, xâm nhập mặn hiệu quả. Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo nông dân bơm nước lên ruộng khi điều kiện nước có độ mặn cho phép, sau khi bơm nước lên ruộng nên xả ngay để rửa phèn và mặn; những diện tích lúa “ăn chắc” cần tăng cường bón phân hữu cơ, phun thuốc phân bón lá cho lúa để đảm bảo năng suất.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.