06/02/2024 09:32
Cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ xã Hòa Minh.
Năm 2010, 2016 và 2020 do khô hạn, nước mặn xâm nhập đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất nông nghiệp của huyện, đặc biệt là trên cây lúa, hoa màu ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân. Trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, UBND huyện Châu Thành đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường các giải pháp tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết các hộ sản xuất vào tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung; khuyến khích tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX hỗ trợ, đầu tư, hướng dẫn nông dân sản xuất, hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, bao tiêu, chế biến sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ngành, hàng, tập trung xây dựng nhiều mô hình canh tác hữu cơ đối với một số cây trồng, trong đó, cây lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Khởi điểm năm 2003, huyện bắt đầu sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 05ha, đến nay (năm 2023), diện tích sản xuất lúa hữu cơ là 883ha, với 708 hộ tham gia, gồm các xã: Long Hòa 99ha, Hòa Minh 14ha, Thanh Mỹ 192ha, Lương Hòa A 176ha, Phước Hảo 123ha, Mỹ Chánh 163ha, Hưng Mỹ 130ha. Đối với 02 xã Long Hòa và Hòa Minh, sản xuất 01 vụ lúa/năm, sử dụng giống lúa ST24, ST25; xã Hưng Mỹ sản xuất 02 vụ lúa/năm, còn lại xã Thanh Mỹ, Lương Hòa A, xã Phước Hảo, xã Mỹ Chánh sản xuất 03 vụ lúa/năm, sử dụng giống ST24, ST25, OM4900.
Liên kết đầu vào và đầu ra sản phẩm
Đối với xã Long Hòa và Hòa Minh, các năm trước, có nhiều công ty tham gia bao tiêu sản phẩm, hiện tại, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Minh Trung, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Châu Hưng và HTX Nông nghiệp Tiến Thành tham gia liên kết, đầu tư đầu vào và đầu ra sản phẩm, như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến cuối vụ thu mua lúa tươi cao hơn giá thị trường 170% so thị trường bên ngoài.
Lúa sau khi thu hoạch, các công ty và HTX thu mua, sau đó đem xay xát, đóng gói bán ra thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Sản phẩm lúa được sản xuất ra hầu hết đạt theo tiêu chuẩn lúa hữu cơ quốc tế của Pháp: AB. Hiện nay, được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm lúa gạo hữu cơ của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh”.
Đối với các xã: Thanh Mỹ, Lương Hòa A, Phước Hảo, Mỹ Chánh, Hưng Mỹ được các HTX Nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ), HTX Nông nghiệp Lương Hòa A, HTX Nông nghiệp Phước Hảo, HTX Nông nghiệp Phú Mỹ Châu (xã Mỹ Chánh), HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ) liên kết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ thu mua lúa tươi cao hơn giá thị trường từ 100 - 300 đồng/kg.
Hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ
Đối với xã Long Hòa và Hòa Minh, lợi nhuận sau thu hoạch trừ đi chi phí sản xuất, nông dân lãi từ 63 - 64,5 triệu đồng/ha, so với sản xuất truyền thống lợi nhuận cao hơn từ 31 - 35 triệu đồng/ha. Các xã Thanh Mỹ, Lương Hòa A, Phước Hảo, Mỹ Chánh, Hưng Mỹ lợi nhuận sau thu hoạch trừ đi chi phí sản xuất, nông dân lãi từ 27 - 28,5 triệu đồng/ha, so với sản xuất truyền thống lợi nhuận cao hơn từ 01 - 1,2 triệu đồng/ha.
Ngoài việc tăng năng suất, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Sản xuất lúa hữu cơ còn làm gia tăng độ màu mở cho đất, tăng khả năng chống chịu trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi cho cây lúa hiện nay.
Bài ảnh: MAI QUỲNH
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.