19/03/2022 05:31
Mục tiêu chung của Kế hoạch là xây dựng và phát triển ngành thủy sản thị xã Duyên Hải hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh và giá trị xuất khẩu lớn trên thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ngành thủy sản và các nghề liên quan, đóng góp vào an ninh thực phẩm, góp phần giảm nghèo, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định xã hội và phát triển kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cụ thể đến năm 2025 giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm trở lên; giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 380 triệu đồng trên 01ha mặt nước; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 11.000ha trở lên. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất đạt 35.450 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.450 tấn, sản lượng khai thác thủy sản đạt 11.000 tấn).
Đến năm 2030 giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 450 triệu đồng trên 01ha mặt nước; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt từ 8.500ha trở lên, sản lượng 40.000 tấn (nuôi trồng 38.000 tấn, khai thác 12.000 tấn).
Đến năm 2045 duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản bình quân 4%/năm trở lên; giá trị sản lượng bình quân mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng 1,2 lần so với năm 2030.
Thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến: giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Kế hoạch cũng định hướng chung cho phát triển thủy sản, cần xác định các sản phẩm thủy sản chủ lực; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa lớn, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các xã ven biển; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững; nâng cao năng lực quản lý và sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã; chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao; giảm khai thác thủy sản nội đồng, vùng cửa sông và hải sản gần bờ, phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ, nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn thị xã.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đề ra các giải pháp là phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách; tăng cường thị trường và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chế biến thủy sản...
Trong đó, về hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thủy sản, cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế chính sách về đất và mặt nước; ưu tiên thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; giảm cường lực khai thác để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang các ngành nghề khác; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản. Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi thuế, phí đối với các hoạt động trong các lĩnh vực của ngành. Chiến lược cũng đề cập đến giải pháp xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, khu vực, phát triển và mở rộng các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Chú trọng phát triển mở rộng thị trường nội địa, đa dạng sản phẩm; giới thiệu quảng bá sản phẩm thủy sản tới các khu đô thị; khu du lịch, khu công nghiệp, khu tập trung dân cư.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất thủy sản. Đồng thời, để phát triển ngành thủy sản cũng cần tổ chức bảo tồn, khai thác nguồn lợi thủy sản và phát triển nuôi trồng thủy sản gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích với phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch, năng lượng, giao thông và phát triển đô thị, công nghiệp... trong quy hoạch không gian biển, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương trên địa bàn thị xã.
DƯƠNG VĂN THỦY
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.