01/06/2021 08:41
Nông dân Thạch Sóc, ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú (phải) trao đổi về mô hình chuyển đổi 0,35ha đất trồng mía sang trồng màu, cho thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.
Phần lớn các diện tích mía chuyển đổi tập trung nhiều trong nuôi thủy sản (cá lóc, tôm thẻ chân trắng…) nằm trên địa bàn các xã Kim Sơn, Lưu Nghiệp Anh, Đại An, Định An; diện tích chuyển đổi sang trồng màu và sản xuất lúa tập trung ở các xã Hàm Giang, Hàm Tân, Lưu Nghiệp Anh, Tân Sơn, Ngãi Xuyên… Những tháng đầu năm 2021, nhiều diện tích nuôi cá lóc cũng như cây màu ở huyện Trà Cú vào thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên giá trị kinh tế mang lại không cao. Theo đó, toàn huyện đã xuống giống vụ màu đông - xuân gần 4.000ha/6.180ha màu các loại và nuôi 427,75ha thủy sản (tôm sú 82,6ha/153 hộ, đạt 165,2% so kế hoạch (50ha); tôm thẻ chân trắng 280,95ha/1.578 hộ, đạt 75,93% so kế hoạch (370ha), cá lóc 60,6ha/281 hộ... ).
Ông Thạch Ma Ly, ấp Bãi Xào Chót, xã Kim Sơn cho biết: vụ mía năm 2021, nông dân trong ấp đã chuyển đổi hơn 12ha sang nuôi thủy sản và trồng 01 lúa + 01 vụ màu (bắp lai), hiện diện tích mía của ấp còn khoảng 40ha. Các diện tích sau khi chuyển đổi sang các cây trồng khác đều mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với cây mía. Tuy nhiên, nông dân luôn phụ thuộc vào thị trường, sản phẩm nông sản và thủy sản được sản xuất trên đất trồng mía chuyển đổi sang, chưa liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua… từ đó, nông dân thường gặp cảnh “được mùa, mất giá”. Riêng diện tích nuôi thủy sản, được chuyển đổi trên đất mía từ năm 2017 đến nay khoảng 20ha, chủ yếu nuôi cá lóc và tôm thẻ, liên tiếp 03 năm qua giá cá lóc luôn bấp bênh và xuống thấp nên người nuôi gặp nhiều khó khăn, thua lỗ. Vụ màu năm 2021, nông dân ấp Bãi Xào Chót xuống giống 20ha bắp lai theo mô hình 01 lúa + 01 vụ màu, chủ yếu do thương lái liên kết với nông dân theo hình thức “tay đôi”.
Trở lại thăm vùng trọng điểm trồng mía xã Lưu Nghiệp Anh, vụ mía 2020 - 2021 diện tích giảm còn khoảng 350ha, thời điểm cao nhất, diện tích trồng mía của xã đạt trên 1.300ha. Nói về những khó khăn trong chuyển đổi từ đất trồng mía sang cây trồng khác trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh cho biết: phần lớn diện tích chuyển đổi chưa có hệ thống đê bao khép kín và bị ảnh hưởng mặn xâm nhập qua vàm Trà Cú.
Từ năm 2019, diện tích mía chuyển sang trồng lúa phát triển khá mạnh, tương đối ổn định và giá trị kinh tế mang lại bền vững hơn; ít chịu tác động của thị trường… Tuy nhiên, do đặc điểm về địa hình tiếp giáp với vàm Trà Cú và thường chịu ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập nên chỉ sản xuất vụ lúa vào mùa mưa, hiện nay diện tích lúa của xã trên 500ha. Đối với các diện tích chuyển đổi từ cây mía, địa phương cũng gặp không ít khó khăn do sản xuất manh mún, chưa được hỗ trợ của Nhà nước trong chuyển đổi từ đất mía. Đồng thời, tính liên kết theo chuỗi đối với các sản phẩm nông nghiệp trong vùng chuyển đổi trên đất mía gặp khó khi doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã chưa mạnh dạn đầu tư…
Cũng theo ông Huỳnh Văn Thảo, để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế và tính bền vững sau khi chuyển đổi các diện tích mía sang các cây trồng khác và thủy sản, về lâu dài cần đầu tư đồng bộ (hệ thống thủy lợi khép kín cho các vùng chuyển đổi); đưa vào quy hoạch chuyển đổi sản xuất. Trong này, tỉnh, huyện cần tác động các nguồn vốn, chính sách cho người dân trong các vùng chuyển đổi từ đất trồng mía sang; tạo chuỗi liên kết và quy hoạch tập trung để kêu gọi doanh nghiệp, cơ sở đầu tư vào...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.