08/03/2023 15:48
Từ mùa vụ năm 2021, nhiều nông dân ở các huyện như Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa vụ hè - thu sớm (sau khi thu hoạch vụ đông - xuân vào cuối tháng 02 hàng năm) sang trồng các cây màu ngắn ngày để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông dân Kiên Sa Phone, ấp Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn cắt vụ lúa đông - xuân để trồng cà chua, tránh mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt khi trồng lúa.
Tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, hàng năm có khoảng 20ha đất trồng lúa ở khu vực các ấp Bào Mốt và một phần Sóc Mới, Huyền Đức chuyển sang trồng màu. Còn ở xã Thạnh Hòa Sơn thì tập trung ở các ấp Lạc Thạnh A, Lạc Thạnh B khoảng 50ha.
Nông dân Kiên Sa Phone, ấp Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn chia sẻ: vụ đông - xuân năm 2021 - 2022, gia đình không sản xuất lúa và bỏ vụ, do trước đó, khu vực đất của gia đình (0,25ha) gò, nằm xa kênh nên sản xuất lúa rất khó khăn về nguồn nước và thua lỗ. Năm nay, thấy tình hình thời tiết khô hạn và mặn tăng cao, nên không làm lúa mà chuyển sang trồng cà chua (diện tích 0,25ha từ đất lúa). Hiệu quả khá cao, hiện cà chua đang cho thu hoạch và lợi nhuận cao gấp 05 lần so với trồng lúa.
Qua trao đổi với đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang: đối với điều kiện sản xuất nông nghiệp (lúa) ở huyện do nằm giáp với vùng ven biển, nên thường chịu ảnh hưởng lớn vào sự điều tiết nguồn nước ngọt từ các hệ thống thủy lợi phía trên của các huyện Càng Long, Cầu Kè. Do đó, trong sản xuất ở cuối vụ đông - xuân và đầu vụ hè - thu rất khó khăn về nguồn nước ngọt; địa phương luôn khuyến cáo nông dân cần xuống giống vụ đông - xuân theo đúng lịch thời vụ chung của tỉnh, đối với khu vực xa kênh trục, nguồn nước thì “cắt vụ” và có điều kiện thì chuyển sang trồng màu. Những năm gần đây, nông dân trong huyện tại các vùng khó khăn về nguồn nước ngọt, đã mạnh dạn chuyển vụ lúa sang trồng màu hoặc không sản xuất, để cày ải phơi đất cho vụ lúa hè - thu.
Hiệu quả từ việc thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua gắn kết với chuyển đổi trong sản xuất một cách phù hợp, linh hoạt sẽ giúp nông dân vừa chủ động, vừa giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu (mặn xâm nhập, khô hạn…) gây ra.
Theo chia sẻ của nông dân Thạch So Phaté, ngụ ấp Rọ Say, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải: gia đình có 0,2ha trồng lúa, từ năm 2020 đến nay, gia đình chuyển sang trồng 02 vụ màu + 01 vụ lúa thu - đông. Đối với 02 vụ đông - xuân và hè - thu do điều kiện ở khu vực này nằm cuối nguồn nước và giáp với biển, nên thường thiếu nước ngọt và khô hạn khi sản xuất lúa.
Cũng theo nông dân Thạch So Phaté, sau khi chuyển qua trồng màu, không chỉ đem lại hiệu quả cao, mà còn giúp nông dân chủ động trong mùa vụ, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là thời điểm từ sau Tết đến tháng 4 âl, là giai đoạn mặn, khô hạn… Bình quân 01 vụ màu (trồng đậu bắp) sau 02 tháng là cho thu hoạch, lợi nhuận từ 05 - 07 triệu đồng/1.000m2.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.