08/02/2021 13:07
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của nông dân Lê Văn Tích, ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông.
Tổng giá trị sản xuất của huyện năm 2020 ước đạt 16.039,93 tỷ đồng, tăng 13,59% so cùng kỳ năm 2019. Trong thực hiện chuyển đổi sản xuất, huyện tập trung phát triển mạnh lĩnh vực có nhiều tiềm năng lợi thế để có thể bù đắp lại thiệt hại theo hướng phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản, chăn nuôi tập trung vào tăng số lượng đàn bò và mở rộng diện tích cây màu. Trong năm 2020, nông dân trong huyện đã chuyển đổi 698,69ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản. Tính từ năm 2014 đến nay đã chuyển đổi gần 5.428ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản. Diện tích cây màu xuống giống ước đạt 18.743ha, đạt 104,4% kế hoạch. Qua đó, thu hoạch 1.780ha bắp, năng suất bình quân 15 tấn/ha; 3.066ha đậu phộng, năng suất bình quân 9,5 tấn/ha và 8.900ha rau màu các loại, năng suất bình quân 25 tấn/ha. Lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng khai thác và nuôi thủy sản ước đạt 69.379 tấn, đạt 104,3% kế hoạch; trong đó nuôi thủy sản 31.205 tấn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù năm 2020 bị ảnh hưởng mặn xâm nhập, dịch bệnh nên giá một số mặt hàng nông thủy sản biến động mạnh nhưng hầu như các hộ trồng màu đều đạt lợi nhuận khá. Đối với các hộ nuôi thủy sản, ngoài số hộ nuôi có tôm bị thiệt hại thua lỗ hoàn toàn, thì còn số hộ nuôi tôm sú có thu sản lượng đạt lợi nhuận 77%, hộ hòa vốn 11%; hộ lỗ vốn 12%; số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có thu sản lượng lợi nhuận chiếm 80,4%; hộ hòa vốn 9,8%; hộ lỗ vốn 9,8%. Lĩnh vực chăn nuôi ở những tháng đầu năm gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi năm 2019, dịch bệnh H5N1 trên gia cầm có nguy cơ tái phát. Hiện tổng đàn heo có 74.750 con, tăng 16.250 con so với cùng kỳ; đàn trâu 450 con; đàn bò ước đạt 107,8%, tăng 3.000 con so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 1,4 triệu con, đạt 101,4%. Công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ trên địa bàn được tăng cường và từng bước đi vào nề nếp, huyện có 01 lò giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm bò thịt trên địa bàn hiệu quả hơn.
Song song với việc thực hiện chuyển đổi, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 43 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi có 1.290 người tham dự; tiếp tục theo dõi mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các xã Trường Thọ, Nhị Trường, Long Sơn, đồng thời triển khai thực hiện các mô hình trồng dưa hấu hữu cơ, nuôi bò, trùn quế, nuôi thủy sản,... mặc dù thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng màu, thủy sản nhưng diện tích xuống giống lúa cả năm 24.997,3ha, sản lượng ước cả năm 135.788 tấn, đạt 89,6% kế hoạch.
Những ngày cuối năm về xã Hiệp Mỹ Đông, nơi có diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi thủy sản khá mạnh của huyện. Với lợi thế vùng đất mặn, lợ ngọt, những năm gần đây ngoài chuyển đổi mở rộng diện tích con nuôi chủ lực tôm sú, tôm thẻ chân trắng, năm 2020, nông dân trong xã còn đa dạng hóa con nuôi như cá kèo, cá rô phi,... để cải thiện môi trường nước, hạn chế dịch bệnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, năm 2020, xã được huyện hỗ trợ triển khai mô hình tôm sú kết hợp cá rô phi trong vèo; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 02 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường tại hộ ông Lê Văn Tích, ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông,… bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Nông dân Nguyễn Quốc Cường, ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông là một trong những hộ dân chuyển đổi đất lúa sang nuôi thủy sản đem lại lợi nhuận cao. Đặc biệt từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, lợi nhuận hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng. Theo ông Cường, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tuy vốn đầu tư cao nhưng tỷ lệ tôm sống cao, lợi nhuận đạt khá. Với 1,2ha mặt nước, chỉ có 02 ao nuôi hơn 2.400m², diện tích còn lại ông thiết kế ao xử lý, ao lắng,... quan trọng trong quá trình chăm sóc tôm nuôi, tăng cường hàm lượng dinh dưỡng vitamin C giúp tôm tăng sức đề kháng sẽ kháng được bệnh thông thường và bệnh nguy hiểm khác, đặc biệt thường xuyên thay nước luôn giữ môi trường nuôi sạch, hạn chế dịch bệnh để tôm sống khỏe phát triển tốt.
Vụ nuôi năm 2020, tuy tôm nuôi trúng mùa nhưng rớt giá do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá tôm sụt giảm mạnh, nhưng được mùa nên lợi nhuận khá. Với diện tích trên, ông thả nuôi 800.000 con tôm giống, trọng lượng bình quân đạt 40 con/kg, giá bán 110.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 01 tỷ đồng. Hiện nay đang thời điểm nước ngọt, ông Cường dự kiến thả một số loại cá để cải thiện môi trường nước và xử lý tạp chất ở đáy ao sau đó tiến hành thả nuôi tôm thẻ ở đầu xuân 2021.
Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, để tiếp tục khắc phục hậu quả do hạn mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2021, huyện tập trung các giải pháp: tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đất giồng tạp sang trồng màu, trồng cỏ nuôi bò và nuôi thủy sản để tăng giá trị sản xuất. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng tại các vùng chuyển đổi để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Phát triển, nhân rộng các mô hình, hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, kinh tế trang trại, vùng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp tại địa phương gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng sản phẩm OCOP...
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.