30/11/2020 07:43
Theo đó, giai đoạn 2020-2025, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng tăng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị, tập trung, tích tụ đất đai hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, vận động nông hộ tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.
Giá trị sản xuất mỗi héc-ta đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng, tăng nhiều lần so với với trồng lúa (Trong ảnh: Nông dân Trà Cú thu hoạch màu).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Điều này nhằm chọn tạo và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng tốt, thích nghi với hạn mặn, có giá trị thương mại cao, tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho ngành. Chú trọng xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến và quy mô phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao; mời gọi doanh nghiệp đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của địa phương và từng loại cây trồng, vật nuôi.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã hoặc trang trại có quy mô, nguồn lực mạnh đủ sức thực hiện yêu cầu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 vào sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ông Phạm Minh Truyền cho biết, 05 năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển đổi mạnh từ các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 18.362ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác và kết hợp nuôi thủy sản, hiệu quả tăng từ 1,3 - 7,63 lần so với trước khi chuyển đổi. Nhờ vậy, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 29.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tăng bình quân 05 năm qua đạt 2,41%/năm, chiếm khoảng 30% GRDP của toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Giá trị sản xuất mỗi héc-ta đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng, tăng 6,3 triệu đồng so với năm 2015; giá trị sản xuất mỗi héc-ta đất nuôi trồng thủy sản đạt 360 triệu đồng/năm, tăng hơn 110 triệu đồng so với năm 2015.
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng và duy trì 26 nhãn hiệu nông sản; các mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được nhân rộng... từ đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 32 triệu đồng, tăng gấp 1,27 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo từ 7,22% năm 2015 giảm xuống còn 1,72% năm 2020; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 60%, tăng 20% so với năm 2015.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Ông Phạm Minh Truyền cho rằng, việc tuyên truyền chưa làm thay đổi toàn diện về tư tưởng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nên sản phẩm có thương hiệu chưa đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu cả về số lượng và chất lượng. Quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, chưa thích ứng kịp với sự biến đổi về khí hậu và thị trường dẫn đến tăng trưởng kém bền vững và chưa đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, việc sản xuất còn chạy theo phong trào, không theo quy hoạch dẫn đến không đồng bộ với đầu tư kết cấu hạ tầng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, tác động xấu đến môi trường. Thêm nữa, khoa học công nghệ chưa phát huy hết vai trò, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn nhiều hạn chế nên chưa tạo được sự đột phá về năng suất, sản lượng và chất lượng của các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Cùng với đó, việc thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; thiếu doanh nghiệp đủ mạnh đầu tư, thu mua chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Dự báo cung, cầu còn yếu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân. Vì vậy, thu nhập của người lao động khu vực nông thôn vẫn còn thấp và chịu nhiều rủi ro.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.