30/12/2021 13:23
Nông dân Hồ Hoàng Thà, thu hoạch khổ qua.
Những tháng trước, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến cả nước thực hiện giãn cách xã hội và khi Đảng và Nhà nước đang toàn lực để phòng, chống dịch bệnh, thì một số người bệnh khá lo lắng. Đối mặt với khó khăn đó, các trường hợp trên phải cân bằng tâm lý vượt qua khó khăn trở về với gia đình mở ra lối sống mới cần cù lao động, tích cực sản xuất ổn định cuộc sống.
Điển hình như nông dân Hồ Hoàng Thà, ấp Khánh Lộc, là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền của xã. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, ông Thà không may tiếp xúc với trường hợp F0 và bị nhiễm bệnh phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch bệnh. Do là lao động chính trong gia đình nên khi ông Thà đi cách ly, 0,8ha bí đao của gia đình không ai chăm sóc đã bị thiệt hại thua lỗ hơn 30 triệu đồng.
Ông Thà cho biết: khi biết mình tiếp xúc với F0 và đưa đi cách ly ban đầu ông vô cùng lo lắng, tâm lý bất an vừa lo sợ xa người thân, vừa lo công việc nhà không ai thay thế, nhất là hoa màu không ai bón phân, phun thuốc. Vì vậy, chi phí đầu tư trồng bí đao gần như mất trắng. Sau 03 ngày tại khu cách ly, ông được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn dần dần ông tiếp nhận và thích nghi tình hình dịch bệnh. Sau khi hoàn thành cách ly, ông trở về gia đình tiếp tục sản xuất, khôi phục kinh tế gia đình bằng cách trồng 0,8ha dưa leo. Kết quả gặp “thiên thời địa lợi”, nên 0,8ha dưa leo cho năng suất đạt 22 tấn, giá bán dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
Kết thúc vụ dưa leo ông tiếp tục trồng 0,5ha khổ qua hiện đang cho thu hoạch liên tục 25 ngày, bình quân 200 - 300kg/ngày, giá bán 7.000 - 9.000 đồng/kg. Do chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đợt này tăng cao gấp đôi so với trước đây nên 0,5ha khổ qua năng suất ước đạt 02 - 2,5 tấn/1.000m2 tấn, lợi nhuận ước đạt từ 10 - 12 triệu đồng/1.000m2. Theo ông Thà, khổ qua thu hoạch khoảng 02 tuần kết thúc, nên ông chuẩn bị lên liếp, xuống giống 2.000m2 đất trồng dưa leo phục vụ thị trường Tết. Dưa leo là cây trồng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, thời điểm này xuống giống kịp bán vào dịp tết Nguyên đán.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là làm cho giá mặt hàng nông sản biến động thất thường, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao làm giảm lợi nhuận của nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thương, ấp Khánh Lộc cho biết: với 1,6ha đất canh tác, trong đó bà dành 3.000m2 trồng thâm canh cây màu chủ yếu khổ qua và dưa leo 04 vụ/năm, lợi nhuận đạt từ 10 - 12 triệu đồng/vụ/1.000m2. Tuy nhiên, tình hình sản xuất năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá bán thất thường, chi phí đầu vào tăng gấp đôi, giảm lợi nhuận 50% so với năm trước. Không chỉ vậy, 1.100 con vịt đẻ nuôi chạy đồng mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 700 trứng, nhưng giá bán dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/10 trứng, giảm 10.000 đồng so với trước. Song song đó, gia đình bà hiện đang thu hoạch 3.000m2 dưa leo, giá bán từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, do chi phí tăng cao nên lợi nhuận đạt 04 triệu đồng/1.000m2. Kết thúc vụ dưa leo này, bà tiếp tục xuống giống dưa leo tiếp để bán trong và sau Tết.
Ông Sơn Quốc Vũ, Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: năm nay do điều kiện khó khăn chung và bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chỉ tiêu xuất khẩu lao động không đạt theo nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã cơ bản ổn định, góp phần nâng cao thu nhập vào cuối năm 2021 đạt 51,4 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 76 hộ, phấn đấu giảm 39 hộ trong năm 2022.
Để vừa đảm bảo sản xuất, vừa an toàn trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, xã tập trung công tác tuyên truyền gắn với các biện pháp phát triển, phục hồi kinh tế theo từng cấp độ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thời gian tới. Triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo động lực thúc đẩy kinh tế của xã phát triển. Theo dõi sát tình hình sản xuất, mùa vụ, hỗ trợ người dân tái sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo nâng cao mức sống cho người dân trong vùng.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.