15/09/2023 16:41
Người nuôi thực hiện tắm lươn, định kỳ 02 lần/ngày.
Điển hình như mô hình nuôi lươn, đã được nông dân mạnh dạn chuyển từ hình thức nuôi trong ao bùn sang nuôi ao lót bạt ny-lông; ao nổi xây gạch để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh trước tác động của BĐKH. Đồng thời, mô hình nuôi lươn không bùn còn giúp người nuôi chủ động mùa vụ, nâng cao mật độ nuôi…
Mô hình nuôi lươn của anh Tô Phước Mạnh, ngụ ấp Giồng Lớn, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang có diện tích hơn 300m2 được bố trí thành 19 bể nuôi (diện tích từ 10 - 15m2/bể), bình quân mật độ nuôi từ 4.000 - 5.000 con lươn giống/bể (đạt 01 - 1,2 tấn lươn thương phẩm/bể). Hàng năm, gia đình xuất bán khoảng 20 tấn lươn thương phẩm (giá dao động 130.000 - 140.000 đồng/kg) và thu lợi nhuận về trên 500 triệu đồng.
Anh Tô Phước Mạnh cho biết: trước đây, gia đình nuôi tôm ở huyện Duyên Hải, những năm gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nên nuôi tôm không thuận lợi, thường thua lỗ. Từ năm 2018, gia đình quyết định về xã Vinh Kim định cư và chuyển sang đầu tư nuôi lươn. Do lươn nuôi đặc biệt thích nước sạch; nước càng sạch lươn càng lớn nhanh.
Để nuôi lươn thành công trước tình hình BĐKH, nguồn nước ngoài môi trường ô nhiễm… việc xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể nổi (xây gạch hay lót bạt) sẽ khắc phục được các hạn chế về nguồn nước, dịch bệnh, quản lý được thức ăn. Trong đó, khâu tắm cho lươn sao cho càng nhanh càng tốt và đảm bảo bể ở trạng thái luôn sạch. Thông qua việc lắp các béc phun tắm cho lươn được bố trí đều khắp ở bể nuôi; phía dưới bể nuôi lắp 01 đường thoát nước và 01 đường cấp nước lớn. Tất cả nguồn nước sử dụng nước giếng khoan được bơm đưa lên bể và xả tràn. Trong quá trình nuôi, gia đình còn chủ động về nguồn lươn giống, thông qua việc mua ương lươn bột từ tỉnh Vĩnh Long về cho ương khoảng 03 tháng để lên lươn giống. Sau 11 - 12 tháng nuôi từ lươn giống, sẽ đạt lươn thương phẩm và xuất bán.
Ngoài ra, đối với các vùng ven sông, rạch lớn ở huyện Cầu Kè, Càng Long… nông dân còn tận dụng các khu vực phía trong có các tuyến đê bao bảo vệ để phát triển nuôi cá các loại, ếch, ốc bươu đen… để tăng nguồn thu nhập cho kinh tế hộ. Riêng địa bàn xã Thông Hòa, nông dân đã tận dụng gần 40ha mặt nước trong mương vườn, ven tuyến sông Trà Mẹt để nuôi thủy sản.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Công chức phụ trách Nông nghiệp - Môi trường xã Thông Hòa cho biết: những năm gần đây, điều kiện các tuyến đê bao trong xã được đầu tư, nạo vét góp phần đảm bảo an toàn trước triều cường, mặn xâm nhập… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nuôi các loài thủy sản. Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi cá trê vàng, ếch ở ấp Trà Mẹt, Ô Chích. Hiện trên địa bàn xã có diện tích đủ điều kiện để phát triển nuôi thủy sản trong mương vườn, ven sông… gần 200ha. Thời gian tới, sau khi hoàn thành tuyến đê bao ven sông Trà Mẹt (tiếp giáp xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), người dân sẽ tập trung mở rộng diện tích nuôi thủy sản; do chủ động được triều cường, nguồn nước.
Nông dân Nguyễn Minh Nhựt, ở ấp Ô Chích, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: bên cạnh phát triển nuôi ếch và ốc bươu đen, với diện tích gần 6.000m2, hàng năm đem lại thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng. Hiện nay, gia đình còn thả nuôi cá trê vàng kết hợp xen trong ao nuôi ốc bươu đen. Trong vụ đầu nuôi thử nghiệm thả 35kg cá giống, khoảng 3.500 con, sau 04 tháng nuôi là thu hoạch. Cá trê vàng khá thích nghi với điều kiện nuôi ở Thông Hòa, tuy nhiên hiện nay do giá thức ăn tăng mạnh, trong khi đó giá cá trê thương phẩm giảm (hiện dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/kg), nên người nuôi chưa dám mở rộng diện tích nuôi; nếu giá cá trê vàng ở mức từ 45.000 đồng/kg trở lên, người nuôi mới có lời.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.