04/04/2025 09:23
Bà Nguyễn Thị Phương, ngụ ấp Phú Đức, xã Bình Phú, huyện Càng Long phấn khởi bên thành quả ca cao đang cho trái.
Trồng ca cao xen dừa tạo “lợi nhuận kép”
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong điều kiện tự nhiên, ca cao trồng xen vườn dừa rất thích hợp; vừa tận dụng ánh sáng, vừa hạn chế các yếu tố ảnh hưởng do khô hạn kéo dài. Bên cạnh đó, việc trồng ca cao xen dừa còn là cách để tránh lãng phí đất và tận dụng điều kiện sinh thái sẵn có mà cây dừa không sử dụng hết; tạo các loại vi sinh vật có ích trong đất, giúp cho bộ rễ dừa hoạt động tốt, độ phì nhiêu đất được duy trì.
Trên thực tế, ca cao trồng xen dừa, năng suất dừa cũng tăng hơn so với trồng chuyên canh, do lượng lớn lá ca cao rụng làm giảm xói mòn, tăng khả năng giữ dinh dưỡng trong đất, duy trì ẩm độ đất trong mùa khô, nắng… Đặc biệt, khi chăm sóc ca cao: bón phân, tưới nước… dừa cùng “hưởng lợi” và ngược lại; có thể giúp rút ngắn thời gian dừa bị nắng, không cho trái/năm.
Tại ấp Phú Đức, xã Bình Phú, huyện Càng Long, hiện có nhiều mô hình trồng ca cao xen vườn dừa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, đem lại “thu nhập kép”. Nhiều nhà vườn cho biết, trồng ca cao xen dừa giúp cây dừa sinh trưởng, phát triển tốt hơn, năng suất tăng hơn.
Có 25 gốc ca cao trồng xen dừa, bà Nguyễn Thị Phương, ngụ Phú Đức, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết: gia đình tôi trồng dừa hơn 10 năm, trước đây, chỉ chuyên canh dừa, nên nguồn thu nhập từ dừa đôi lúc không ổn định, nhất là khi giá dừa trái giảm. Những năm gần đây, khi Công ty TNHH Cacao Mekong thu mua ca cao trái ổn định, gia đình đầu tư chăm sóc ca cao; nhờ đó, giúp tăng nguồn thu hơn trước rất nhiều. Với giá ca cao hiện Công ty thu mua 13.000 - 13.500 đồng/kg, còn dừa khô hiện từ 140.000 - 150.000 đồng/chục (12 trái), nên tôi có thu nhập ổn định hàng tháng.
Qua tìm hiểu từ các nhà vườn, từ năm 2021 đến nay, giá trái ca cao ổn định, Công ty TNHH Cacao Mekong cử người thu mua tận vườn, trả tiền mặt. Từ đó, mô hình xen canh cây ca cao trong vườn dừa đã giúp nhà vườn tăng thu nhập đáng kể. Một cây ca cao từ 05 tuổi trở lên, có thể cho 40kg trái/cây/năm. Do đó, hiện nay, ở các xã Mỹ Cẩm, Bình Phú, Nhị Long, Đại Phúc, Đại Phước… huyện Càng Long có nhiều nhà vườn cải tạo vườn tạp, trồng ca cao xen dừa để tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế tăng mạnh trên cùng một đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Thuận, ngụ ấp Phú Đức, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết, ông có gần 0,5ha cây ca cao trồng xen dừa. Những năm trước, cứ 10 ngày ông thu hoạch 01 lần, rồi chở ra chợ xã Nhị Long (chợ Dừa Đỏ) để bán, với giá 6.000đồng/kg. Nhưng, từ năm 2019 đến nay, khi Công ty TNHH Cacao Mekong thu mua tại vườn, không còn cảnh chở trái ca cao lình kình đi bán như trước. “Hễ dừa thu nhập 10 đồng/năm, thì ca cao thu nhập từ 05 - 06 đồng/năm”.
Ca cao trái hiện “cung chưa đủ cầu”
Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cacao Mekong, hiện Công ty đã tiêu thụ đầu ra sản phẩm ca cao trái của khoảng 100 nhà vườn, với hơn 50ha, tại các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long và Châu Thành… Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng đủ công suất hoạt động của Công ty.
Bà Nhung cho biết thêm, sau khi nhà máy của Công ty hoạt động, Công ty đã tổ chức hệ thống vệ tinh để thu mua ca cao trái trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Công ty phát triển diện tích ca cao nhằm hướng đến nông nghiệp bền vững, xanh - sạch từ ca cao, gắn với quyền lợi của người tiêu dùng để tạo sản phẩm ca cao sạch, an toàn và sự tin dùng của khách hàng.
Hiện vùng nguyên liệu còn ít, rải rác không tập trung, gây khó khăn trong vận chuyển và thu mua; chưa đáp ứng đủ cho hoạt động của nhà máy, Công ty phải mua nguyên liệu thêm từ tỉnh Long An và các tỉnh lân cận. Thời gian tới, Công ty tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và mở rộng vùng nguyên liệu cùng nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại họp mặt DN đầu xuân Ất Tỵ 2025, do UBND tỉnh tổ chức, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường cần hỗ trợ nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, cây giống. Về phía Công ty, bao tiêu đầu ra sản phẩm, thông qua liên kết thu mua, từng bước hoàn thiện chuỗi ca cao, có lợi cho Công ty và nhà vườn.
Công ty TNHH Cacao Mekong thành lập năm 2018, phương châm hoạt động của Công ty là sản xuất gắn kết với nông dân, tạo đầu ra ổn định cho cây cao cao trồng xen canh với dừa của nông dân. Công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà vườn đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu. Đó chính là động thái tích cực của Công ty, nhằm xây dựng chuỗi liên kết vùng nguyên liệu ca cao với nông dân trong tỉnh.
Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung chia sẻ: hoạt động của Công ty được xây dựng trên nền tảng liên kết, nhằm giúp nông dân cũng như DN thực hiện chuỗi sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân từ sản phẩm được trồng trên chính mảnh đất của nông dân.
Nguyên liệu trái ca cao được Công ty thu mua từ nông dân, theo chuỗi liên kết DN - nông dân. Qua gần 07 năm hoạt động, Công ty áp dụng qui trình máy móc hiện đại, nhà máy đạt ISO 9001, ISO 22000 và 5S; sản phẩm của Công ty đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực; có 02 sản phẩm đạt OCOP: 3 sao đối với sản phẩm bơ Cacao Mekong và 4 sao đối với bột Cacao nguyên chất; giải quyết việc làm cho 10 lao động, mức lương bình quân 07 triệu/tháng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Vụ màu mùa khô năm 2025, nông dân huyện Trà Cú xuống giống trên 4.589ha, đạt 43,49% kế hoạch năm. Đây là năm có nhiều diện tích màu được các doanh nghiệp ký kết với nông dân ở các xã Hàm Giang, Long Hiệp, Ngọc Biên, Đại An... sản xuất theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm (bí đỏ và bắp giống). Qua đó, tạo an tâm cho người sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 02 lần so với các cây màu truyền thống.