25/06/2020 06:19
Nông dân xã Thanh Sơn trồng măng Tây xanh đạt hiệu quả, góp phần ổn định thu nhập, giảm nghèo.
Trong 05 năm qua, cơ cấu kinh tế của xã Thanh Sơn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Đảng ủy chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao (hiện xã có 01 cánh đồng lớn lúa chất lượng cao với diện tích 109ha), vùng sản xuất 01 vụ lúa 02 vụ màu.
Bên cạnh, đưa cơ giới ở khâu làm đất đạt 100% diện tích, khâu thu hoạch máy gặt đập liên hợp chiếm trên 98% diện tích, bình quân hàng năm chuyển đổi trên 16,5ha đất kém hiệu quả. Qua đó, tạo nhiều mô hình thu lợi nhuận trên 110 triệu đồng/ha như: đưa cây màu xuống chân ruộng, lúa-bắp, lúa-ớt… ngoài ra, chuyển đổi đất giồng tạp kém hiệu quả sang trồng cỏ 116,7ha. Tổng diện tích gieo trồng đến năm 2020 đạt 2.900ha, đạt 110,8% so Nghị quyết (tăng 425ha so cùng kỳ), trong đó diện tích lúa 2.460ha, đạt 115,7% Nghị quyết, sản lượng 12.546 tấn, đạt 109,3% nghị quyết. Tổng diện tích màu và cây công nghiệp ngắn ngày 407,7ha, đạt 121,9% Nghị quyết.
Ông Huỳnh Thanh Lam, Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn cho biết: ngoài tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, xã Thanh Sơn được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM. Tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội đạt 54,9 tỷ đồng, huy động sức dân đóng góp 1,4 tỷ đồng xây dựng 20 công trình đường giao thông nông thôn dài 5,865km, kinh phí 16,54 tỷ đồng, nâng tổng số đến nay toàn xã có 15,59km đường nhựa, 10,69km đường đal và nhiều công trình trường, điện, cầu nông thôn... nhờ tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, 05 năm qua, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 1.076,32 tỷ đồng, tăng bình quân 2,42%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết 02%/năm), trong đó, nông nghiệp 738,2 tỷ đồng đạt 202% Nghị quyết, công nghiệp 132,72 tỷ đồng đạt 216% Nghị quyết… tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 572 tỷ đồng cao hơn 1,8 lần so với giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân đầu người nâng cao hơn trước; 185 đảng viên trong xã đã gương mẫu, đi đầu, nỗ lực cùng chính quyền thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng tại địa phương.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người dân phát triển kinh tế hộ, xã huy động vốn tín dụng giúp người dân đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh đạt 24,4 tỷ đồng. Qua khảo sát, đánh giá, kết quả cho thấy các nguồn vốn đầu tư được hộ hưởng lợi sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần vào mục tiêu tăng tỷ lệ hộ khá, giàu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, đầu tư nuôi bò, trồng màu được đánh giá đạt hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Bà Kim Thị Dạ, ấp Giồng Ông Thìn được hỗ trợ trồng 1.000m2 măng tây xanh vào năm 2017 với kinh phí khoảng 16 triệu đồng, cho thu nhập ổn định đến nay, bình quân lợi nhuận 25-30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, vợ chồng bà còn nuôi bò, chí thú lao động, tích lũy dần và được thoát nghèo hơn 02 năm qua, kinh tế gia đình được nâng dần lên.
Theo ông Cao Tiến Huy, công chức văn hóa - xã hội, phụ trách lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội: nhờ các nguồn vốn đầu tư công với việc chỉ đạo thực hiện tổ chức lại sản xuất, quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã giúp người dân sản xuất hiệu quả. Hộ nghèo của xã giảm từ 676 hộ (năm 2015) xuống còn 189 hộ (năm 2019), hiện xã chỉ còn 8,3% hộ nghèo. Tuy cao hơn bình quân chung nhưng là kết quả nổi bật trong hoạt động giảm nghèo của xã trong 05 năm qua.
Đánh giá về những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM, ông Huỳnh Thanh Lam nhận định: do xuất phát điểm thấp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao và có 73% đồng bào Khmer nên dù kinh tế địa phương phát triển nhưng cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thiếu tập trung, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng nông thôn tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển.
Do đó, nhiệm kỳ tới, xã Thanh Sơn phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo. Chỉ đạo củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác kinh tế và hợp tác xã, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 04%/năm, đến cuối năm 2025 còn 03% hộ nghèo, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Đồng thời, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.