23/01/2023 10:07
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhanh, hội viên phụ nữ xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành nhờ Hội LHPN hỗ trợ giúp chị có nguồn vốn đầu tư trồng màu hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch chuyên đề Hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội rà soát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, có giải pháp phối hợp hỗ trợ thoát nghèo, thực hiện hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo làm chủ hộ có địa chỉ thoát nghèo bằng nhiều hình thức hỗ trợ vốn giúp chị em sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, phát động trong cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện mô hình “Người có giúp người khó” vận động mỗi hội viên tiết kiệm mỗi ngày ít nhất 1.000 đồng, đóng góp hỗ trợ hội viên khó khăn. Kết quả, đóng góp trên 410 triệu đồng, hỗ trợ thực hiện 46 điểm mô hình sinh kế có 242 thành viên. Bên cạnh, các cấp Hội vận động 570 triệu đồng hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện 139 điểm mô hình sinh kế như: nuôi dê sinh sản, nuôi gà, vịt, hỗ trợ cây giống, vườn cây sinh kế khởi nghiệp, trồng rau an toàn… phát triển mới 121 điểm mô hình phát triển kinh tế, có 1.217 thành viên tham gia, nâng đến nay, toàn tỉnh có 318 điểm mô hình, có 5.730 thành viên.
Ngoài ra, vận động từ nguồn xã hội hóa trên 12,6 tỷ đồng, giúp 1.512 hộ nghèo, hộ cận nghèo có phụ nữ làm chủ hộ đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn cho 26.069 lượt hộ vay, tổng số vốn trên 350 tỷ đồng (dư nợ gốc đến nay trên 1.500 tỷ đồng), tạo điều kiện cho chị em đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Dự kiến, cuối năm 2022, phụ nữ các cấp trong tỉnh sẽ hỗ trợ trên 330 hộ thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhanh, ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành có 3.000m² đất trồng rau, màu (dưa leo, bầu, bí...), là điển hình phụ nữ chăm lo lao động sản xuất. Tuy nhiên, đôi lúc gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư trồng màu nên Hội LHPN xã Thanh Mỹ đã vận động hội viên góp vốn 02 triệu đồng cho chị mượn sản xuất, giới thiệu chị Nhanh tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, tạo điều kiện giúp chị vay thêm 09 triệu đồng đầu tư trồng màu.
Chị Nhanh chia sẻ, nhờ vốn vay và sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, tuy không nhiều nhưng đã giúp gia đình trang trải chi phí đầu tư sản xuất hiệu quả. Mỗi vụ màu, từ khi trồng đến thu hoạch xong từ 02 - 04 tháng, gia đình lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng, đời sống dần được nâng lên. Hàng năm, tôi đều trồng các loại màu phục vụ thị trường Tết, hy vọng năm nay được mùa, được giá, gia đình đón Tết vui vẻ, đầm ấm hơn.
Song song với hỗ trợ phụ nữ khó khăn, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh luôn được quan tâm thực hiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội. Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, quản lý hợp tác xã (HTX), chủ hộ kinh doanh... Duy trì và hỗ trợ 05 HTX do phụ nữ quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên: HTX may mặc Thiên Ngân (Phường 6, thành phố Trà Vinh), HTX Tân Qui (huyện Cầu Kè), HTX may mặc Nguyễn Cường (Phường 1, thành phố Trà Vinh), HTX nuôi dê Trọng Nhân (huyện Duyên Hải), HTX dịch vụ - nông nghiệp xã Long Thới (huyện Tiểu Cần).
Đặc biệt, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939), giai đoạn 2017 - 2022, Hội đã lập 12 câu lạc bộ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp tại 09 huyện, thị xã, thành phố, có 225 nữ chủ hộ sản xuất, kinh doanh, nữ doanh nghiệp tham gia. Tuyên truyền, vận động thành lập nhiều tổ hợp tác, HTX do phụ nữ quản lý, vận động 320 phụ nữ đăng ký cơ sở lên doanh nghiệp, nâng đến nay, toàn tỉnh có hơn 830 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện hoạt động khởi nghiệp từ năm 2017 đến nay đạt khoảng 44 tỷ đồng, đã giải ngân 39 tỷ đồng cho 1.287 phụ nữ khởi nghiệp vay vốn. Đồng thời, Hội phối hợp tổ chức các cuộc sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp, giúp các thành viên nâng cao kiến thức giải quyết những tình huống trong kinh doanh, khởi nghiệp, tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh…
Nhiều phụ nữ có việc làm, thu nhập ổn định nhờ gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cơ sở sản xuất, HTX do phụ nữ làm chủ.
Theo đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, năm 2022, các cấp Hội trong tỉnh thực hiện kế hoạch chuyên đề hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 100% cơ sở Hội đăng ký thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình hiệu quả hỗ trợ hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Hội tranh thủ kết nối các ngành chức năng kịp thời giới thiệu học nghề tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật phù hợp với tâm tư nguyện vọng và nhu cầu sản xuất, đồng thời tranh thủ nguồn vốn đầu tư cho hội viên phụ nữ.
Hướng tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án để đồng hành, tiếp sức, hỗ trợ hội viên, phụ nữ có điều kiện vươn lên, giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong đó, tiếp tục các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đặc biệt, tập trung triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 và các chương trình, mục tiêu Đề án của Hội tranh thủ các hoạt động hỗ trợ tạo điều kiện cho Hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, giới thiệu việc làm, kết nối thị trường giúp chị em yên tâm sản xuất làm giàu chính đáng trên quê hương của mình.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.