26/04/2022 09:11
Thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (DN), các TCTD trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quan hệ tín dụng ngân hàng, ưu tiên nguồn vốn cho vay các DN sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực ưu tiên, các DN tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và các DN khởi nghiệp...
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Trà Vinh, thông qua một số chương trình, chính sách tín dụng cho vay được triển khai, trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện ước đạt 18.300 tỷ đồng, chiếm 55%/tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu ước đạt 420 tỷ đồng; cho vay DN nhỏ và vừa ước đạt 3.450 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn đạt 203,50 tỷ đồng (trong đó, cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi dư nợ đạt 7,24 tỷ đồng). Các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến tháng 3/2022 ước đạt 3.152 tỷ đồng (tăng 2,64% so với cuối năm 2021).
Tiếp tục thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 và các thông tư sửa đổi, bổ sung về việc TCTD, các chi nhánh ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân, DN trong sản xuất, kinh doanh.
Lũy kế đến cuối tháng 3/2022, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.727 khách hàng, với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 284,44 tỷ đồng (trong đó cơ cấu gốc 250,03 tỷ đồng; cơ cấu lãi 34,41 tỷ đồng). Miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 276 khách hàng với tổng giá trị nợ được miễn, giảm lãi là 51,31 tỷ đồng (số tiền lãi được miễn, giảm từ ngày 13/3/2020 đến nay, là 0,12 tỷ đồng). Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay là 11.929,63 tỷ đồng, với 13.771 khách hàng còn dư nợ.
Đặc biệt, trong lĩnh vực cho vay thuộc hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh, có tổng dư nợ chiếm cao nhất trong các TCTD, đã đầu tư kịp thời đối với các DN nhỏ và vừa, DN thuộc các ngành lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nông dân Kim Công Nghiệp (trái) Ấp 2, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay chăn nuôi bò từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã đem lại nguồn thu nhập 100 - 120 triệu đồng/năm.
Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh, ông cho biết: thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV, ngày 17/01/2022 của Hội đồng Thành viên Agribank, ngay từ đầu năm Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và bền vững gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn trong lĩnh vực tín dụng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời, triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp phù hợp và kịp thời, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhất là khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh luôn đảm bảo nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng là DN được tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi từ Agribank, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giảm 10% lãi suất cho vay đối với dư nợ tại thời đểm 15/7/2021; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối đa 10% lãi suất cho vay thông thường…
Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã triển khai quyết liệt các gói tín dụng ưu đãi của Agribank, như: chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng DN lớn 30.000 tỷ đồng, với lãi suất tối thiểu 04%/năm, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ theo các tiêu chí của Agribank.
Nhận định về tình hình nguồn vốn, cũng như “hồi phục” của các DN, nông dân trong năm 2022, cũng theo ông Nguyễn Văn Hưởng, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Trong đó, lạm phát sẽ tăng khi giá dầu lên quá cao; xuất khẩu sang Liên bang Nga, Ukraine gặp trở ngại, sự đứt gãy này sẽ tác động đến cả những thị trường xuất khẩu liên đới khác và liên quan đến các giao dịch thanh toán với các DN, liên quan đến vấn đề tỷ giá, ngoại tệ, phương thức thanh toán… Từ những yếu tố trên, nhận định tình hình kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, Chính phủ đã có các giải pháp phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhận định năm 2022 nguồn vốn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn và ổn định trong trung, dài hạn vì hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.