16/06/2021 08:52
Nông dân ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc chăm sóc lúa hè - thu.
Vụ lúa hè - thu năm 2021, nông dân huyện Châu Thành xuống giống dứt điểm với diện tích 14.490ha, lúa đang giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Theo đánh giá của ngành chuyên môn huyện Châu Thành, đầu vụ lúa hè - thu năm nay thời tiết tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, toàn huyện cũng có 338ha lúa bị nhiễm sâu, bệnh, chủ yếu bệnh đạo ôn lá, tập trung ở xã Lương Hòa A, Đa Lộc, Mỹ Chánh, Song Lộc... Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân phòng, trị bệnh đạt hiệu quả.
Đang chăm sóc 0,5ha lúa, ông Thạch Ba, ngụ ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc cho biết: thời tiết năm nay thuận lợi hơn năm rồi. Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện các cơn mưa đầu mùa, trà lúa cũng xuất hiện bệnh đạo ôn, nếu thời điểm này, nông dân không thăm đồng thường xuyên, không phát hiện sâu, bệnh để phòng, trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất cao, thời gian này gia đình tôi thường xuyên thăm đồng phát hiện bệnh, xử lý kịp thời, tránh lan ra diện rộng.
Ông Trần Văn Quân, ngụ ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc cho biết: gia đình tôi tham gia cánh đồng lớn lúa với diện tích 03ha và được cán bộ kỹ thuật ngành chuyên môn hướng dẫn nên lúa hè - thu năm nay ít bị sâu, bệnh. Hiện lúa đã được gần 30 ngày tuổi, phát triển tốt. Vụ lúa này thường bị sâu, bệnh gây hại do thời tiết bất lợi, nông dân cần bón phân theo nguyên tắc “4 đúng”. Ứng dụng bảng so màu lá lúa để bón phân đúng liều lượng, bón phân phải cân đối giữa lượng đạm, lân và kali, hạn chế bón thừa phân đạm. Ruộng sản xuất vụ hè - thu thường bị xì phèn, ngộ độc hữu cơ nên cần tăng cường bón vôi, phân lân trước khi gieo sạ nhằm giúp ruộng lúa hạ phèn và hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Các sâu, bệnh gây hại trong vụ hè - thu, như sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy lá, nhện gié; bệnh lem lép hạt phát sinh mạnh vào cuối vụ, cần phải thường xuyên thăm đồng phát hiện bệnh để phòng, trị kịp thời.
Ông Phạm Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: vụ lúa hè - thu, toàn xã xuống giống được 2.520ha, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Thời tiết đang diễn biến phức tạp, nông dân cần cập nhật kịp thời diễn biến sâu bệnh trên các thông tin đại chúng, thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu, bệnh; theo dõi mật số rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, nhiễm khuẩn, cháy bìa lá... để phát hiện, phòng, trị kịp thời. Khi phun thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, cán bộ chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh đảm bảo đạt năng suất cao.
Ông Trương Kính Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: theo kế hoạch, vụ lúa hè - thu năm nay, huyện phấn đấu đạt năng suất 5,21 tấn/ha. Để đảm bảo cho vụ lúa hè - thu thắng lợi, trước khi bước vào vụ, Phòng tranh thủ tốt các nguồn vốn đầu tư nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng đã bị bồi lắng, đảm bảo lượng nước tưới, tiêu hợp lý. Đồng thời, Phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác lúa hiệu quả. Tuy nhiên, vụ lúa hè - thu thường mưa nhiều, sâu bệnh gây hại nặng, lúa dễ bị đổ ngã, nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo ngành chuyên môn khuyến cáo.
Sản xuất vụ hè - thu được xem là mùa vụ canh tác gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh nhiều, nông dân tốn nhiều chi phí phòng, trị sâu, bệnh hơn so với các vụ khác trong năm. Theo dự báo của ngành chuyên môn, từ nay đến cuối vụ, tình hình thời tiết còn diễn biến bất thường nên sâu, bệnh hại cây lúa còn tiếp diễn. Do vậy, việc nhận biết đúng sâu, bệnh để áp dụng cách phòng, trị đúng và đạt hiệu quả sẽ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất. Cách tốt nhất là nông dân cần thường xuyên thăm đồng để quản lý tốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, khi phát hiện sâu bệnh gây hại ở mật số cao nên thông tin đến cán bộ kỹ thuật địa phương để được hướng dẫn cách phòng, trị sâu, bệnh đạt hiệu quả, góp phần cho vụ lúa hè - thu thắng lợi.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.