27/04/2023 08:15
Nho ngón tay đỏ tại vườn anh Trần Văn Mến bắt đầu chuyển màu sắp chín, đảm bảo mở cửa phục vụ khách tham quan vào ngày 29/4.
Hơn 01 năm qua, tại Trà Vinh xuất hiện nhiều mô hình trồng nho đạt hiệu quả kinh tế cao, khẳng định hướng đi đúng trong chuyển đổi sản xuất của người dân. Đặc biệt, các chủ vườn quan tâm quảng bá, thu hút khách tham quan, tạo thêm thu nhập, phù hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh.
Anh Trần Văn Mến, chủ vườn nho chia sẻ: do đam mê đầu tư cây trồng mới nên khoảng giữa năm 2022, tôi đầu tư cải tạo vườn khoảng 5.000m2 và mua tổng cộng gần 3.000 cây nho giống về trồng. Do trồng lần đầu nên tỷ lệ hao hụt khá nhiều, hiện còn lại khoảng 1.500 gốc.
Được biết, anh Mến mua nho giống ngón tay đen (NH04-102), ngón tay đỏ (NH01-152) từ tỉnh Ninh Thuận, với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/cây giống. Giống nho này có đặc điểm hình dạng quả thon dài, còn nhỏ màu xanh nhưng khi chín chuyển sang màu tím đỏ, tím đen bắt mắt, không hạt, ăn giòn ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thị trường khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg.
Theo anh Mến, trồng nho không quá khó nhưng cần học hỏi đúng kỹ thuật để chăm sóc phù hợp, nhất là quan tâm vấn đề nước tưới. Đặc điểm của cây nho là không chịu nước nhiều, nhất là hạn chế làm ướt lá, thân nên người trồng chủ yếu tưới nước tại gốc, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón giúp nho phát triển phù hợp. Đặc biệt, vào mùa mưa, cần chăm sóc nho cẩn thận hơn, xử lý thêm phân, thuốc để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thân, lá nho. Tuy nhiên, giai đoạn nho cho trái, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng phân bón vi sinh và bọc chùm nho bằng túi giấy hoặc ni-lông để tránh chim và côn trùng phá hoại, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Để chăm sóc tốt vườn nho, anh Mến thuê 03 người dân địa phương trực tiếp chăm sóc hàng ngày với mức thu nhập 220.000 - 250.000 đồng/người. Sau hơn 04 tháng trồng, nho bắt đầu cho hoa và để trái, thời gian nuôi trái khoảng 03 tháng.
Anh Mến chia sẻ: lần đầu trồng nho, tuy hao hụt cây con khá nhiều nhưng thành công, số nho còn lại phát triển tốt, có dây cho đến 05 - 07 chùm, rất nhiều trái. Để đảm bảo phục vụ du khách đến tham qua, chụp ảnh tại vườn, tôi sẽ phân chia từng khu vực để xử lý cắt nhánh cho trái xen kẽ, đảm bảo vườn nho cho trái xuyên suốt, duy trì liên tục phục vụ du khách.
Anh Trần Văn Mến theo dõi sự phát triển của nho ngón tay đen.
Nhằm đảm bảo đủ điều kiện phục vụ khách du lịch, anh Mến liên hệ cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, trong đó có đăng ký và được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, anh Mến thực hiện ý tưởng trồng nho trên chậu phục vụ khách co nhu cầu mua về làm cây cảnh tại nhà. Anh Mến chăm sóc cẩn thận các chậu, dưỡng trái để bán cho ai có nhu cầu mua về vừa làm cảnh vừa có nho sạch để ăn và hy vọng ý tưởng này sẽ thành công, phục vụ đa dạng nhu cầu du khách.
Chị Nguyễn Kim Thanh, ngụ Phường 7, thành phố Trà Vinh chia sẻ: năm 2022 tôi cùng gia đình và bạn bè đi 02 vườn nho ở Hưng Mỹ và Đôn Xuân, chụp ảnh rất đẹp và chất lượng nho khá ngon, chúng tôi rất vui khi Trà Vinh trồng được nho và các chủ vườn đều đón du khách đến tham quan, trải nghiệm chụp ảnh, tạo điểm nhấn đẹp cho sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 sắp đến, tôi đã có kế hoạch tham quan vườn nho tại Long Sơn.
Tin rằng, với hướng đi đúng của anh Mến với mô hình trồng nho an toàn kết hợp làm du lịch sinh thái sẽ tiếp tục đạt hiệu quả, tạo hướng đi mới cho trồng cây ăn trái trong tỉnh, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.