07/06/2021 13:14
Nông dânThạch Minh Sương đang thu hoạch dưa leo.
Ông Thạch Nhơn, Trưởng ban nhân dân ấp Bào Mốt chia sẻ: trước kia, cuộc sống Nhân dân nơi đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nông dân sản xuất mất mùa, thất giá. Sau khi Nhà nước có nhiều chủ trương hỗ trợ vùng đồng bào Khmer, cuộc sống người dân trong xã được nâng lên rất nhiều, có điện thắp sáng, nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, đường sá được bê tông, tráng nhựa, tạo điều kiện cho người dân đi lại, mua bán. Đặc biệt, từ khi thực hiện phong trào XDNTM, các tuyến đường liên ấp, liên xã ngày càng được thi công mở rộng; trường học được xây dựng khang trang, có đầy đủ trang thiết bị để các cháu học hành tử tế. Tôi thấy rất phấn khởi.
Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, 05 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã tích cực ra sức học và làm theo Bác với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, mang lại tín hiệu vui cho sự vươn lên của Long Sơn, số hộ nghèo của xã giảm từ 28% năm 2018 còn 5,09% năm 2020, dự kiến năm 2021 giảm còn 3,8%. Thành tựu nổi bật nhất là việc thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với XDNTM. Từ một xã còn nhiều khó khăn, sản xuất bấp bênh, đến nay, Long Sơn đã đa dạng được nhiều loại cây trồng, vật nuôi như: nuôi thủy sản, nuôi bò, gia cầm hay chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, nông dân đã thu hoạch màu được 697ha, gồm bắp, dưa hấu, đậu phộng, khoai mì, rau các loại. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản được 282,3 tấn, trong đó, tôm sú, tôm thẻ có 245 lượt hộ thả nuôi, có 130 hộ thu hoạch với sản lượng 232 tấn. Thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2021, xã có 16 hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn và chuyển đổi đất lúa sang màu với diện tích 6,9ha, số tiền gần 294 triệu đồng.
Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi về ấp Bào Mốt, gặp gỡ nông dân đang thu hoạch màu, nhiều hộ phấn khởi khi một số loại màu thu hoạch vụ này được giá hơn nhiều vụ trước, nông dân Thạch Minh Sương, ngụ cùng ấp nói: tôi được 03 công đất ruộng, 02 công trồng mướp hương, 01 công trồng dưa leo, trước đó, tôi chỉ trồng đậu phộng, đây là vụ đầu tiên tôi trồng dưa leo, may mắn lần này dưa leo được giá. Tôi được biết, trước đó, giá dưa leo chỉ từ 3.000-5.000 đồng, hiện nay, tôi bán cho thương lái được 8.000 đồng/kg. Tôi thấy dưa leo dễ trồng, ít rủi ro, mau thu hoạch, trồng khoảng 25 ngày, dưa leo bắt đầu ra trái và khoảng 10 ngày sau sẽ thu hoạch, tôi hái mỗi ngày trung bình từ 110 - 120kg dưa leo, 01 vụ thu hoạch liên tục được khoảng 20 ngày. Tôi ước tính với giá dưa leo như hiện nay, sau khi trừ chi phí, tôi thu được khoảng 14 triệu đồng/vụ. Ngoài trồng màu, tôi được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 08 triệu đồng để chăn nuôi, vợ chồng tôi chắt chiu, dành dụm mua 01 con bò sinh sản, hiện nay, con bò tôi tái đàn được 03 con. Tôi là hộ nghèo nhiều năm liền và được thoát nghèo từ năm 2018.
Nông dân Kim Ngọc Liên, ấp Bào Mốt, chia sẻ: hơn 10 năm trước, nhà nghèo, tôi có 02 công đất trồng lúa mà toàn thất mùa, lỗ vốn, 05 năm trở lại đây, tôi thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng bắp và đậu phộng cho thu nhập tăng từ 02-03 lần so với trồng lúa nên cuộc sống dần đỡ hơn, tôi được thoát nghèo năm 2016. Hiện tôi mướn thêm 06 công đất ruộng để trồng màu, chủ yếu là bắp, vì trồng bắp 01 năm được 03 vụ, sau 70 ngày chăm sóc sẽ thu hoạch trái. Trung bình, 01 công bắp đạt khoảng 1,2 tấn, với giá bán 01kg bắp sống bán tại ruộng có giá 4.000 đồng, mỗi vụ lợi nhuận trung bình trên 03 triệu đồng/công. Tôi còn tận dụng cây bắp để chăn nuôi bò. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi cơ bản ổn định.
Một sự đổi thay khác phải kể đến là kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện. Từ một xã nghèo có kết cấu hạ tầng thấp, bằng sức mạnh nội lực, vận động Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng với vốn đầu tư từ chương trình 135, XDNTM, đến nay các trục giao thông chính liên ấp dần được trải bê-tông, đal nối liền. Trong quý I/2021, xã đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 02 công trình giao thông nông thôn dài 348m, kinh phí 575 triệu đồng; bàn giao xong mặt bằng xây dựng 01 tuyến đường nhựa liên ấp Sóc Mới, chiều dài 560m, số tiền 1,2 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đối ứng 200 triệu đồng.
Bà Kim Thị Sô Thia, ấp Bào Mốt chia sẻ: hồi trước tôi đi đâu cũng là đi bộ, đường đất, mưa xuống sình lầy khó đi lắm. Trồng rau màu, tôi phải thức từ 02-03 giờ sáng chở ra chợ để kịp cân cho mấy chủ sạp bán rau cải, ra trễ họ không mua nữa, cực mà còn bị ép giá. Giờ cuộc sống đổi thay, những người nông dân như tôi không nghĩ có ngày mình trồng rau cải mà thương lái đến cân tại nhà, đường sá xe chạy bon bon, điện thắp sáng khắp nhà, khắp xóm. Cuộc sống người dân khấm khá hơn rất nhiều.
Có thể nói, về lại Long Sơn lần này, chúng tôi thấy rằng chất lượng cuộc sống Nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, phong trào học và làm theo Bác ngày càng lan rộng, Nhân dân ý thức, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng địa phương sớm xây dựng thành công xã NTM.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.