12/09/2021 09:05
Để có hiệu quả, nhất là những vụ màu mùa nghịch, nông dân chọn những cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định và cơ cấu mùa vụ hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vụ màu mùa nghịch này do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, chi phí sản xuất, lao động tăng cao, giá dưa hấu sụt giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.
Dưa hấu là một trong những lựa chọn cây trồng vào mùa nghịch (mùa mưa) của nông dân Nguyễn Văn Bảy, ấp Huyền Đức. Đây được xem là cây trồng chủ lực của gia đình ông trong nhiều năm qua. Với lợi thế đất giồng cát nên trồng 03 vụ dưa hấu/năm, lợi nhuận bình quân đạt 25 - 40 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Bảy cho biết: ngoài sản xuất 03 vụ dưa hấu/năm, ông còn tranh thủ gieo trồng 01 vụ đậu phộng vào dịp cuối năm. Trong 03 vụ dưa hấu, thì vụ dưa hấu mùa nghịch giá luôn ở mức cao, lợi nhuận nhiều. Tuy nhiên, vụ dưa hấu mùa nghịch năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên giá dưa hấu sụt giảm, trong khi đó chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 03 - 05% so trước, nên giảm lợi nhuận. Mùa rẫy năm nay tuy bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, nhưng khi gần đến ngày thu hoạch, địa phương tạo điều kiện cho thương lái đến tận ruộng thu mua giải quyết đầu ra cho nông dân.
Rẫy dưa hấu của nông dân Nguyễn Văn Bảy chuẩn bị thu hoạch.
So với những mặt hàng nông - thủy sản khác, dù giá dưa hấu đợt này sụt giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so vụ trước, nhưng nông dân đạt lợi nhuận bình quân 20 - 30 triệu đồng/ha. Trồng màu tuy cực công chăm sóc, nhưng thời gian thu hoạch ngắn, chi phí đầu tư không nhiều, về lâu dài hiệu quả kinh tế bền vững hơn. Với 0,6ha vụ dưa hấu mùa này, sau 02 tháng trồng, giá bán 5.500 - 6.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 20 triệu đồng. Kết thúc vụ dưa hấu, tận dụng liếp dưa và màng phủ sẵn có ông Bảy xử lý đất, sau đó trồng lại bí đỏ. Với ông Bảy, bí đỏ là cây trồng hiện nay đầu ra ổn định, thương lái mua tại ruộng 20.000 đồng/kg, lợi nhuận rất cao so với các cây trồng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng bí đỏ có thời gian bảo quản lâu, nên nông dân an tâm.
Với 3.000m2 đất, mùa này nông dân Trần Minh Vĩnh, ấp Huyền Đức trồng hơn 2.500 gốc dưa hấu chuẩn bị thu hoạch, cho biết: vụ dưa hấu mùa này do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nhất là phân bón tăng bình quân 100.000 đồng/bao, mặt khác chi phí thuê lao động cũng tăng thêm 20.000 đồng/ngày/người, trong khi đó giá dưa hấu sụt giảm gần 2.000 đồng/kg so với vụ dưa hấu trước. Với diện tích trên, ông trồng 03 vụ dưa hấu/năm và 01 vụ củ cải trắng. Do đất giồng cát nên vào mùa nắng nhiệt độ nóng tăng cao, ít người trồng rẫy, có hộ bỏ đất trống, riêng ông trồng củ cải trắng để có nguồn nhập vào dịp cuối năm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, ông trồng 02 vụ dưa hấu, vụ vừa rồi ông đạt lợi nhuận 30 triệu đồng/ha. Vụ dưa hấu đợt này, do chi phí tăng cao nên lợi nhuận ước đạt 20 triệu đồng/ha. Dưa hấu là cây trồng ngắn ngày, sau 02 tháng thu hoạch, đầu ra ổn định. Mỗi vụ dưa hấu, sau khi kết thúc cứ cách nhau 20 ngày, ông xử lý đất và tận dụng màng phủ và liếp dưa sẵn có của vụ trước và xuống giống vụ dưa hấu tiếp theo.
Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: Huyền Đức là địa phương có thế mạnh phát triển cây màu khá lớn của xã. Với lợi thế đất giồng cát, thuận lợi, giúp nông dân trồng nhiều vụ màu trong năm, nhất là vào mùa mưa nông dân có thể trồng xen canh và gối vụ cây màu xoay vòng. Bên cạnh đó, để giúp nông dân phát huy thế mạnh từ cây màu trong mùa nghịch, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, xã tăng cường khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác, hướng dẫn bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý để đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân xử lý tốt khâu làm đất, kết hợp bón lót phân chuồng hoặc phân hữu cơ, vôi nhằm khử chua và giữ ẩm cho đất.
Vụ dưa hấu mùa này nông dân trong xã xuống giống 150ha dưa hấu, tập trung nhiều nhất ở ấp Huyền Đức. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp phối hợp với các ấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các thương lái và phương tiện xe tải vào địa phương thu mua dưa hấu giải quyết đầu ra của nông dân để kịp thời ngăn chặn các trường hợp liên quan với dịch bệnh để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn,
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.