24/12/2020 15:00
Nhà vườn An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè thu hoạch xoài cát Chu.
Theo thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh, cây xoài là một trong những cây trồng chủ lực của Trà Vinh, với tổng diện tích trên 1.548ha và đạt sản lượng 10.912 tấn (năm 2019); đặc biệt là tại các vùng có truyền thống trồng xoài khá nổi tiếng như Hòa Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi, Ninh Thới (huyện Cầu Kè với diện tích trồng xoài gần 400ha), Nhị Long, Nhị Long Phú, Đại Phước, Đại Phúc (huyện Càng Long hơn 260ha xoài), Tân Hòa, Hùng Hòa, Long Thới (huyện Tiểu Cần trên 374ha)… với các giống: cát Chu, Châu Hạng Võ, cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Tuy nhiên, diện tích trồng xoài những năm gần đây liên tục giảm; năm 2010, tổng diện tích xoài của tỉnh trên 2.763ha, đạt sản lượng hơn 18.330 tấn, đến năm 2019 giảm trên 1.214ha. Nguyên nhân là do sản phẩm xoài trái chưa có đầu ra ổn định và thiếu liên kết trong bao tiêu sản phẩm.
Nông dân Lưu Hoàng Hiêm, ấp An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 01ha canh tác xoài cát Chu được 08 năm tuổi, hàng năm cho sản lượng khoảng 15 tấn, trừ các chi phí cho thu nhập khoảng 140 triệu đồng/ha/năm. Mặc dù cây xoài thích nghi cao với nhiều vùng đất, nhưng trong xử lý ra trái rất khó, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như khô hạn, mặn xâm nhập, mưa bão… ảnh hưởng quá trình sinh trưởng từ đó dẫn đến giảm năng suất. Để nâng cao chất lượng cho trái xoài, cần hướng dẫn, tập huấn cho nhà vườn về kỹ thuật trồng, chăm sóc xoài; xử lý bông, đậu trái và kỹ thuật bao trái cùng với hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm theo hướng liên kết.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Phăng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông sản Agrivi cho biết: đối với vùng nguyên liệu xoài của Hòa Tân, huyện Cầu Kè hiện nay tương đối lớn, có khả năng đảm bảo về nguồn cung ứng. Tuy nhiên, để thực hiện liên kết trong thu mua sản phẩm, do doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu đi các nước nên đòi hỏi chất lượng về an toàn của sản phẩm, quy trình canh tác an toàn hữu cơ. Khi thực hiện liên kết, thu mua sản phẩm của nông dân cần tuân thủ quy trình do doanh nghiệp đưa ra. Có như vậy, sản phẩm trái xoài của nhà vườn mới hướng ra thị trường xuất khẩu được.
Để nâng cao giá trị cho cây xoài cát Chu, nhà vườn cần hướng đến quy trình canh tác sạch - an toàn và đảm bảo đủ diện tích phục vụ cho doanh nghiệp liên kết; phát triển cây xoài theo hướng xuất khẩu. Tiến sĩ Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: hiện nay, ngoài sản phẩm xoài trái, xoài còn được sản xuất nước uống đóng chai, mứt xoài… do đó, đòi hỏi vai trò của UBND và các ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có quy hoạch về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ổn định; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác. Cùng với đó, vai trò của nông dân, hợp tác xã phải nắm bắt được nhu cầu thị trường, thực hiện xây dựng vùng sản xuất có gắn mã số đạt chuẩn (VietGAP, GlobalGAP), mã số đóng gói sản phẩm… Đặc biệt, thực hiện cho xoài ra trái theo từng chu kỳ (02-03 đợt/năm) nhằm tạo ra tính liên tục của sản phẩm và khắc phục thiệt hại (mất mùa) nếu chỉ làm 01 vụ trái/năm.
Hiện trên địa bàn xã Hòa Tân là địa phương có diện tích trồng xoài cát Chu hơn 261ha và được trồng nhiều ở các ấp Hội An, An Bình và An Lộc; ngoài ra, xã có Hợp tác xã xoài cát Chu, với 55 thành viên, diện tích 50ha và đã được công nhận VietGAP. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè: để đầu ra trái xoài được ổn định và bền vững, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, từng bước thay dần tập quán canh tác truyền thống (dùng phân bón hóa học, không áp dụng khoa học - kỹ thuật…).
Theo định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, Hòa Tân quy hoạch vùng phát triển cây xoài cát Chu đạt diện tích 350ha và tiến tới đạt chứng nhận OCOP cho cây xoài. Tuy nhiên để cho người trồng xoài an tâm hơn và phát triển bền vững đối với cây xoài cát Chu, địa phương kiến nghị các ngành chuyên môn thường xuyên hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh trên cây xoài; tạo “cầu nối” với các doanh nghiệp, công ty để xây dựng chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm trên cây xoài của nhà vườn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.