04/03/2021 06:00
Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích nuôi cá lóc 537ha; trong đó, huyện Trà Cú hơn 375ha, chiếm khoảng 70% diện tích nuôi toàn tỉnh, với 1.254 lượt hộ thả nuôi, tổng sản lượt thu hoạch hơn 40.000 tấn. Thời gian qua, cá lóc thương phẩm của Trà Vinh chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu đi Campuchia theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, Campuchia không nhập khẩu cá lóc, nông dân sẽ gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cá lóc bị thu hẹp, giá cá lóc tiếp tục giảm.
Ông Nhan Na Ri, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, khoảng 01 năm nay, người nuôi cá lóc trong huyện bị thua lỗ nặng do giá cá lóc thường xuyên ở mức thấp, dưới giá thành; trong khi giá thức ăn mỗi năm tăng khoảng 10%. Hiện, giá cá lóc thương phẩm chỉ còn 27.000 đồng/kg (loại 01-1,2kg/con).
Hiện nay, theo thống kê, toàn huyện còn khoảng 2.500 tấn cá lóc đã hơn 07 tháng tuổi, thậm chí nhiều hộ đã thả thuôi 12 tháng chưa thu hoạch do không tìm được người thu mua; trong khi đó, càng "neo" cá lóc, chi phí sản xuất càng tăng. Theo tính toán của nông dân, chi phí sản xuất cá lóc thương phẩm từ 05-06 tháng khoảng 31.000 đồng; trong khi nếu nuôi đến 12 tháng, chi phí sản xuất mất khoảng 35.000 đồng/kg, đồng nghĩa với việc bán mỗi kg cá thương phẩm với giá 27.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 8.000 đồng/kg.
Điều đáng lo ngại, diện tích nuôi cá lóc trên địa bàn huyện thời gian gần đây liên tục tăng. Nguyên nhân là địa phương có diện tích trồng mía hơn 4.000ha nhưng qua 04 vụ sản xuất mía nông dân liên tục bị thua lỗ nên chuyển sang sản xuất các cây trồng, vật nuôi khác, nhiều diện tích được chuyển sang nuôi cá lóc. Trong 03 năm trở lại đây, diện tích cá lóc trên địa bàn huyện tăng khoảng 150ha.
Trước đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá lóc, bởi hạ tầng thủy lợi ở địa phương chưa được đầu tư đồng bộ nên về lâu dài sẽ tác động xấu đến môi trường và nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra, việc nuôi cá lóc tự phát còn tiềm ẩn rủi ro về thị trường, do loại thủy sản này hiện chủ yếu tiêu thụ nội địa nên mở rộng diện tích sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá cả xuống thấp là điều khó tránh khỏi.
Ông Lưu Văn Nhạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, đầu ra của cá lóc hiện nay khá khó khăn do nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày càng mở rộng diện tích nuôi cá lóc nên cung vượt cầu. Trong khi con cá lóc ở Trà Vinh chưa xây dựng được thương hiệu, nông dân nuôi tự phát, không được xuất khẩu qua đường chính ngạch. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất sang các đối tượng nuôi khác.
Hiện ngành nông nghiệp huyện Trà Cú đang vận động các hộ nuôi thủy sản đa dạng hóa con nuôi như tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá thác lác, cá sặc rằn… để thay thế con cá lóc.
THANH HÒA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.