14/09/2020 07:38
Thương lái thu mua bưởi tại vườn nhà ông Cao Văn Công.
Huyện Tiểu Cần, là địa phương có diện tích nuôi cá lóc thứ 02 trong tỉnh (sau huyện Trà Cú), sản lượng cá lóc vào giai đoạn đủ điều kiện xuất bán hiện còn “treo ao” trên 60% diện tích ao thả nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: Huyện hiện có 254 hộ nuôi cá lóc, diện tích 29,2ha (409 ao) với 6,2 triệu con giống. Trong này, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, sản lượng cá còn “neo ao” trên 1.000 tấn, tập trung nhiều ở xã Tân Hùng (199 ao, với 118 hộ nuôi), xã Tập Ngãi (78 ao, với 51 hộ nuôi), xã Hùng Hòa (36 ao, với 20 hộ nuôi). Do lượng cá lớn và tồn đọng nhiều nên dễ dẫn đến dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nuôi, qua đó, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường triển khai đưa cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ, tập huấn cho các hộ nuôi cá.
Với giá cá lóc hiện được thương lái mua tại ao từ 30.500-31.000 đồng/kg (trọng lượng từ 850gram trở lên), nhưng việc tiêu thụ rất chậm do ít có thương lái đến mua. Theo anh Nguyễn Văn Lũy, một hộ nuôi cá ở xã Tân Hùng, với giá cá hiện nay, nếu người nuôi quản lý tốt dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp thì chỉ huề vốn, còn xảy ra dịch bệnh là lỗ vốn. Do chi phí của 01kg cá, người nuôi đầu tư khoảng 29.000-30.000 đồng/kg, nếu cá “treo ao” sẽ lỗ do chi phí thức ăn cao mà cá tăng trọng không nhiều (cá tăng trọng nhanh ở giai đoạn 0,8-1,2kg/con).
Còn đối với gia cầm, đặc biệt là gà thả vườn hiện nay người nuôi lỗ từ 40-45 triệu đồng/1.000 con gà. Theo chia sẻ với chúng tôi, ông Kim Rít Thi ngụ ấp Giữa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, gia đình đang nuôi gần 2.200 con gà thả vườn (giống gà nòi lai), đầu tháng 8/2020, xuất chuồng 500 con gà nhưng giá chỉ có 55.000 đồng/kg (gà tốt, trọng lượng từ 1,2-1,8kg/con), đối với gà từ 02kg trở lên và bị trụi lông giá chỉ còn 40.000-42.000 đồng/kg. Nếu người nuôi khống chế được tỷ lệ hao hụt dưới 10% và xuất bán theo đúng thời gian (khoảng 85-105 ngày tuổi), thì mới có lời. Còn gà nuôi trong giai đoạn trên 03 tháng 20 ngày, ngoài việc gà tăng trọng chậm nhưng tỷ lệ tiêu hao thức ăn rất cao, dẫn đến thua lỗ).
Trở lại vùng chuyên canh trồng cây ăn trái ở huyện Cầu Kè trong những ngày đầu tháng 9/2020, nhiều vườn cây ăn trái của các nhà vườn ở đây rơi vào cảnh “treo vườn” do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã làm giảm sức tiêu thụ cũng như giá bán một số chủng loại trái cây giảm mạnh. Trong này, đặc sản bưởi da xanh (thời điểm tháng 5, tháng 6 có giá từ 32.000-35.000 đồng/kg), nhưng sau khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại, nhiều nhà vườn ở vùng trồng bưởi da xanh của huyện Cầu Kè “điêu đứng” do không có thương lái mua và giá bán giảm mạnh, hiện đang dao động ở mức 24.000-25.000 đồng/kg (bưởi từ 1,2kg/trái trở lên).
Trên địa bàn huyện Cầu Kè hiện có hơn 800ha, trong đó, xã Ninh Thới trên 300ha; theo nhà vườn Cao Văn Công, ấp Vàm Đinh, xã Ninh Thới, gia đình có gần 1,5ha bưởi da xanh; vụ bưởi tháng 8/2020, gia đình đã “neo vườn” hơn 01 tháng nhưng giá vẫn không tăng, lái đến vườn thu mua chỉ có 25.000 đồng/kg, do bưởi đã già và phải xử lý trái, nên nhà vườn đành phải bán; so với giá bình quân trước đây, nhà vườn mất 20-25 triệu đồng/1.000m2.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.