19/06/2020 08:43
Mô hình trồng khổ qua giống 02 đồng tiền vàng của gia đình ông Kiên Văn, ấp Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Qui, Chủ tịch UBND xã Hàm Giang cho biết: Qua 05 năm 2015-2020, địa phương đã thực hiện chuyển đổi 625,65ha đất sản xuất kém hiệu quả (đất giồng tạp, vườn tạp, đất lúa...) sang trồng màu; xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Tỷ lệ cơ giới hóa, liên kết sản xuất của địa phương ngày càng phát triển với các mô hình trồng bí đỏ, hành lá, sản xuất lúa chất lượng cao mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Hàm Giang đạt 42 triệu đồng/người/năm, đạt 110,2% (Nghị quyết 35 triệu đồng/người/năm).
Hàng năm, xã Hàm Giang có diện tích sản xuất lúa trên 3.000ha và gần 6.000ha màu; trong này, giá trị cây màu trên 50 triệu đồng/ha/vụ như hành lá (diện tích 14,5ha và bí đỏ hơn 100ha…). Trong sản xuất, nhiều nông dân đã tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong canh tác theo hướng sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong trồng màu hay thực hiện mô hình sản xuất lúa giống cấp xác nhận với diện tích 850ha. Để tập hợp và định hướng cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tập trung phát triển mô hình kinh tế hợp tác trên các lĩnh vực, qua đó, xã Hàm Giang đã thành lập 03 hợp tác xã có 119 thành viên và 41 tổ hợp tác theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ, có 1.448 thành viên (gồm 07 tổ hợp tác chăn nuôi, 08 tổ hợp tác trồng màu, 04 tổ hợp tác trồng lúa, 22 tổ đóng giường tre). Nông dân Lư Hoài (ấp Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang) cho biết: Đây là vụ màu thứ 04 được doanh nghiệp bao tiêu để trồng bí đỏ (giống bí hồ lô); với giá bao tiêu 4.600 đồng/kg. Gia đình có 0,25ha đất được trồng bí đỏ, với năng suất 1,5 tấn trái/0,1ha, trừ chi phí, còn lại trên 05 triệu đồng; ngoài ra, gia đình còn thu hoạch thêm từ việc bán bông bí (giá dao động 10.000-12.000 đồng/kg).
Nhiệm kỳ 2015-2020, xã Hàm Giang còn phát triển mạnh việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng như hệ thống đường nông thôn, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường, cầu nông thôn (tổng kinh phí 21,92 tỷ đồng): 17 công trình giao thông dài 8,1km; 09 cây cầu nông thôn; thực hiện nạo vét 53 tuyến kênh (cấp II và cấp III), dài 41,576km; đào mới 01 kênh cấp II, dài 2,18km.
Trong chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo với số tiền trên 35 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước 12,640 tỷ đồng); Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương đầu tư 150 triệu đồng cho 15 hộ. Thông qua các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi (nuôi bò, gà) và các mô hình khác... đã nhân rộng và mang lại hiệu quả trong kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Hiện toàn xã đã giảm 249 hộ nghèo (giảm 12% so đầu năm 2015), hiện còn 189 hộ nghèo.
Nông dân Kiên Văn, ấp Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang cho biết: Gia đình có 0,35ha đất trồng lúa được chuyển sang trồng màu (chủ yếu khổ qua, ớt…). Nhờ hệ thống thủy lợi đã được nạo vét, trong vụ màu hè-thu năm 2020, gia đình trồng giống khổ qua 02 đồng tiền vàng, cho năng suất rất cao (khoảng 1,8-02 tấn trái/1.000m2) và có giá bán khá cao (10.000-12.000 đồng/kg), được thị trường tiêu thụ mạnh.
Theo ông Thạch Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Giang: Năm 2020, địa phương đã triển khai nạo vét 35 tuyến kênh nội đồng; trong này khu vực kênh nổi (ấp Nhuệ Tứ A và Nhuệ Tứ B) được nạo vét 06 tuyến kênh để phục vụ vùng chuyên canh màu. Những năm qua khu vực kênh bê tông nổi không còn sử dụng nên nguồn nước phục vụ sản xuất ở đây không đảm bảo khi vào mùa khô và sản xuất chỉ sử dụng khoảng 60-70% diện tích. Với việc triển khai nạo vét hệ thống kênh nội đồng ở vùng kênh bê-tông nổi đã được người dân đồng tình cao và hiến đất nơi có công trình đi qua. Qua đó, đảm bảo phục vụ 100% diện tích chuyên canh màu (khoảng 45ha).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.