10/01/2022 13:47
Bà Thạch Thị Nhi chăm sóc bí đao.
Ông Trần Phước Hiền, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: năm 2021, thời tiết diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông - ngư nghiệp. Cùng với đó, do đầu vụ lượng mưa ít, nước ngọt về trễ và chậm hơn so với cùng kỳ nhiều năm gây thiệt hại cho sản xuất lúa, hoa màu, dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.
Với mục tiêu đột phá trong phát triển sản xuất gắn với công tác giảm nghèo, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - ngư nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản có sự chuyển đổi khả quan. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật từng bước đổi mới góp phần nâng cao kiến thức của nông dân vào việc áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác sản xuất ngày càng rộng rãi. Hệ thống thủy lợi tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, góp phần cho việc điều tiết nước ổn định mang lại hiệu quả tưới tiêu, điều hòa và ngăn mặn ở từng tiểu vùng. Diện tích sản xuất lúa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra với 3.425ha; cây màu xuống giống 1.662ha, tăng 2,3ha so với cùng kỳ năm 2020; đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định với 37.461 con; sản lượng khai thác và nuôi thủy sản đạt 191,8% kế hoạch, tăng 215,9 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới 302 lao động, đưa 08 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, xã còn đầu tư hỗ trợ vốn ưu đãi thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2021, xã phối hợp đầu tư vốn vay với tổng dư nợ 35,1 tỷ đồng giúp 1.200 lượt hộ vay để đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò, sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ. Đến cuối năm 2021, hộ nghèo của xã còn 260 hộ, cận nghèo còn 522 hộ, trong đó hộ nghèo Khmer còn 206 hộ.
Nhờ được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, gia đình bà Thạch Thị Nhi, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa đã vươn lên thoát nghèo. Bà Nhi cho biết: trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn và ít đất sản xuất. Thông qua vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà vay 20 triệu đồng đầu tư mua 01 con bò về nuôi và nay bò đã sinh sản được 04 con. Ngoài ra, với gần 2.000m² đất trồng luân canh 03 - 04 vụ màu/năm như: khổ qua, bầu, bí và rau cải các loại… mỗi vụ lợi nhuận từ 08 - 10 triệu đồng/1.000m². Hiện bà đang thu hoạch khổ qua khoảng 50 - 80kg/ngày, thu nhập 400.000 - 500.000 đồng/ngày và đang chăm sóc hơn 500m² bí đao để phục vụ thị trường Tết. Nhờ chí thú làm ăn, biết vận dụng có hiệu quả nguồn vốn vay và cần cù lao động sản xuất nên gia đình bà đã thoát nghèo.
Trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nông dân Trần Văn Toàn, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa luân canh 02 vụ lúa - 01 vụ màu trên diện tích 0,6ha đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ màu trước, trong và sau Tết, ông trồng 3.000m² ớt chỉ thiên trên hiện đang thu hoạch, giá bán từ chị để 25.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo ông Toàn, từ lúc chuyển đổi luân canh 01 vụ màu - 02 vụ lúa, thu nhập ổn định. Tuy trồng màu công chăm sóc nhiều hơn nhưng lợi nhuận gấp 03 - 04 lần so với cây lúa, nhất là thời điểm sau vụ thu hoạch lúa, gia đình ông cày xới, lên liếp trồng cà chua hoặc ớt chỉ thiên. Vụ ớt đợt này, tuy giá tăng cao, nhưng thời tiết thay đổi thất thường, năng suất không cao, bình quân ông thu hoạch 120kg/lần, lợi nhuận ước cuối vụ đạt 10 triệu đồng/1.000m².
Theo ông Trần Phước Hiền, thời gian tới, xã xác định phát triển ngành nông nghiệp trên cơ sở thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM. Tiếp tục quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đối với cây lúa, thực hiện nhân rộng phát triển vùng lúa chất lượng cao.
Đối với cây màu, xã mở rộng diện tích đất triền giồng sản xuất lúa hè - thu kém hiệu quả và những chân ruộng đất thịt ven các tuyến kênh nội đồng, phát triển diện tích cây màu có thị trường hiệu quả kinh tế cao, trong đó chú trọng một số cây màu mùa nghịch. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nhất là đàn bò, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Rà soát chặt chẽ vùng nuôi thủy sản và khuyến khích người dân tiêp tục nuôi cá nước ngọt và nuôi nhữ tôm thiên nhiên nhằm tăng sản lượng thủy sản.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.