05/07/2024 16:47
Gia đình nông dân Nguyễn Văn Thế, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn vào mùa thu hoạch bắp giống.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh: từ đầu năm 2014 đến nay, qua mô hình trồng bắp giống tại các xã có diện tích đất giồng cát lớn như: Long Sơn, Nhị Trường, Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang (54ha); xã Long Hiệp, Ngọc Biên, huyện Trà Cú (80ha). Mô hình này mang lại hiệu quả bền vững, góp phần tăng thu nhập ổn định từ 50 - 70 triệu/ha/vụ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer.
Tại huyện Cầu Ngang, mô hình trồng bắp giống được nông dân 02 xã Long Sơn và Nhị Trường thực hiện trồng duy trì và luân canh trên đất lúa từ nhiều năm qua, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng, giảm nghèo tại địa phương. Đây là mô hình được liên kết chặt chẽ Nhà nước với nông dân và doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần trở lên so với độc canh cây lúa.
Đặc biệt, tham gia mô hình liên kết trồng bắp giống, nông dân được Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Năm 2024, toàn huyện xuống giống hơn 54ha tập trung ở xã Nhị Trường và Long Sơn.
Nông dân Nguyễn Văn Thế, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: trước đây, vào mùa mưa gia đình chủ yếu sản xuất 02 vụ lúa/năm, vào mùa khô trồng dưa hấu hoặc rau, đậu các loại. Do giá nông sản bấp bênh, thị trường không ổn định nên năm nay ông tham gia vào tổ hợp tác trồng bắp giống và được Công ty Giống cây trồng miền Nam bao tiêu sản phẩm với giá 15.000 đồng/kg, sau hơn 100 ngày bắp cho năng suất đạt 09 - 10 tấn/ha, lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Tham gia mô hình liên kết trồng bắp giống nông dân có thể chia sẻ kinh nghiệm từ khâu sản xuất, chăm sóc, cách nhận biết và phòng ngừa sâu bệnh… đặc biệt nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, chi phí đầu vào và đầu ra.
Nông dân Sơn Năm, ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường có kinh nghiệm trồng bắp giống hơn 10 năm cho biết: với 0,4ha đất canh tác, hàng năm ông sản xuất 01 vụ lúa - 02 vụ bắp, lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Trước đây, sau khi kết thúc vụ lúa thu - đông, được địa phương tạo điều kiện cho gia đình ông liên kết với doanh nghiệp trồng 01 vụ bắp giống đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Những năm gần đây để cải thiện kinh tế gia đình, sau khi kết thúc vụ bắp giống ông trồng 01 vụ bắp ăn (bắp nếp) vừa có thêm thu nhập vừa có phụ phẩm nông nghiệp phục vụ nuôi bò sinh sản. Hiện 0,4ha bắp ăn đang trong giai đoạn phát triển, giá bán hiện nay dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, hy vọng đến vụ mùa thu hoạch, gia đình ông có nguồn lợi nhuận cao được mùa, được giá.
Theo ông Năm, thời gian trồng bắp giống khoảng 105 ngày, trong khi bắp ăn khoảng 65 - 70 ngày cho thu hoạch, lợi nhuận tương đương nhau. Tuy nhiên, mô hình trồng bắp giống có hiệu quả hơn, nhất là khi tham gia trồng bắp giống nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, chi phí giống đầu tư ban đầu và trừ sau thu hoạch, đặc biệt được bao tiêu sản phẩm nên nông dân an tâm sản xuất.
Với 0,4ha bắp giống vừa qua, sản lượng đạt 04 tấn, được Công ty TNHH Syngenta Việt Nam bao tiêu sản phẩm với giá 15.500 đồng/kg, lợi nhuận 30 triệu đồng. So với những cây trồng khác, mô hình liên kết trồng bắp giống đảm bảo đầu ra, mang lại lợi nhuận cao và ổn định. Giá bắp giống năm nay tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ, nên nông dân trồng bắp rất phấn khởi.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi liên kết, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm áp lực đầu tư chi phí ban đầu, đảm bảo đầu ra là xu thế tất yếu hiện nay. Mô hình liên kết trồng bắp giống được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua. Quan trọng nông dân trên địa bàn 02 huyện Cầu Ngang và Trà Cú có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây bắp giống và cây bắp giống hiện đã thích nghi với vùng đất giồng cát của tỉnh,… Vì vậy, chủ trương của tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích trồng bắp giống nhằm phát huy hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, cải thiện đời sống trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Song song đó, ngành nông nghiệp đã liên hệ với Công ty Giống cây trồng miền Nam và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, hiện nay 02 Công ty này sẵn sàng liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân để mở rộng mô hình trồng bắp giống tại huyện Cầu Ngang và Trà Cú.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật để tập huấn hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc bắp giống, nhất là đối với các hộ mới tham gia thực hiện mô hình, giúp mô hình liên kết được duy trì và nhân rộng hiệu quả.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.