09/06/2023 08:13
Anh Thạch Ronl trao đổi với cán bộ Hội LHPN xã về mô hình ủ phân hữu cơ.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tô Thị Lệ Trinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Điền cho biết: được sự hỗ trợ từ Hội Thủy sản và Làm vườn huyện tập huấn cho chị em trong Hội về sử dụng, cách ủ phân hữu cơ để phục vụ trong trồng trọt. Đồng thời, đây cũng là mô hình gắn kết với tiêu chí trong thực hiện XDNTM về lĩnh vực đảm bảo an toàn môi trường trong chăn nuôi. Hiệu quả của mô hình mang lại, ngoài giá trị kinh tế, còn giúp cho hội viên nhận thức được tầm quan trọng trong sử dụng nguồn phân hữu cơ tại chỗ để cải thiện, tạo độ màu mỡ cho đất canh tác trước tình hình sử dụng phân hóa học trong thời gian dài làm giảm độ màu mỡ, chai đất, sâu bệnh… tạo thêm sinh kế cho lao động nông thôn.
Nguồn phân chuồng qua xử lý, ủ để tạo ra phân hữu cơ vi sinh đang được nhiều hộ trồng màu, cây ăn trái trong và ngoài xã Châu Điền sử dụng; bước đầu mang lại kết quả khả quan cho người sản xuất nông nghiệp.
Anh Thạch Ronl, Tổ trưởng Tổ ủ phân hữu cơ (ấp Trà Bôn, xã Châu Điền) chia sẻ: sản xuất phân hữu cơ từ nguồn phân bò, có nhiều cái lợi cho nông dân như giảm chi phí trong trồng trọt và nâng cao được năng suất; giảm dịch bệnh gây hại cho cây màu, cây ăn trái. Người nuôi bò cũng có được nguồn thu không nhỏ nếu tham gia sản xuất phân hữu cơ. Hiện nay, gia đình sản xuất phân hữu cơ và xuất bán từ 01-1,5 tấn/mẻ (45 ngày); với giá bán là 2.500 đồng/kg phân (giao tại nhà). Ngoài cung cấp ra thành phẩm là phân hữu cơ, Tổ còn tham gia mua phân bò tại các hộ có chăn nuôi bò.
Chị Thạch Thị Sa Qui, ấp Trà Bôn có gần 1.000m2 diện tích trồng màu (hành lá) được luân canh trong đất vườn dừa, chia sẻ: gần 01 năm nay, gia đình sử dụng nguồn phân hữu cơ tự ủ tại gia đình đã giúp cải tạo đất rất tốt, hành trồng phát triển rất xanh, ít bị sâu bệnh và giảm được lượng phân bón hóa học. Mỗi vụ hành, gia đình bón bổ sung khoảng 500kg phân hữu cơ ủ từ nguồn phân bò, năng suất hành đạt gần 1,5 tấn/1.000m2, giá hành được thương lái thu tại rẫy hiện nay từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, mỗi vụ hành, trừ chi phí, gia đình thu vào 20 triệu đồng.
Chị Thạch Thị Thu Trang cùng ấp Trà Bôn cho biết: được Hội LHPN huyện, Hội Thủy sản và Làm vườn huyện tập huấn về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ, gia đình đã tận dụng nguồn phân bò trong chăn nuôi để sản xuất phân hữu cơ, mỗi mẻ ủ được khoảng 01 tấn và sử dụng để bón cho vườn dừa hơn 01ha. Nhìn chung, phân hữu cơ góp phần cải tạo đất, giúp dừa phát triển rất nhanh, trái ra đều hơn.
Cũng theo anh Thạch Ronl, hiện nguồn phân hữu cơ của 09 thành viên trong tổ sản xuất ra khoảng 3,5 - 04 tấn/chu kỳ 45 ngày; trong này có 100% thành viên là dân tộc Khmer. Phân chuồng sau quá trình ủ và xử lý bằng men vi sinh đã diệt các hạt, mầm cỏ dại và các nấm bệnh (do nhiệt độ trong quá trình ủ tạo ra rất cao, gần 900C)…
Hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và ủ phân hữu cơ từ phân chuồng (phân bò), được các thành viên trong tổ tích cực hướng dẫn cho các hộ có nhu cầu tiếp cận và sản xuất phân tại nhà. Hiện trong ấp có gần 10 hộ tham gia tự sản xuất và ủ phân để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nếu các hộ không có điều kiện tự sản xuất phân, khi có nhu cầu về nguồn phân hữu cơ phục vụ cho trồng màu, cây ăn trái hay trồng hoa kiểng… liên hệ với Hội LHPN xã hoặc Hội Thủy sản và Làm vườn huyện Cầu Kè để các thành viên trong Tổ ủ phân hữu cơ ấp Trà Bôn tham gia cung cấp.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.