13/02/2022 14:59
Mô hình trồng lúa hữu cơ của nông dân huyện Cầu Ngang giảm đáng kể chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Để giảm giá thành sản xuất lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh khuyến cáo nông dân tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ xuống giống theo ngành nông nghiệp địa phương. Đồng thời xuống giống tập trung đồng loạt, liên vùng trên từng cánh đồng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận hành, điều tiết nước và quản lý dịch hại tổng hợp trên diện rộng đạt hiệu quả.
Sở khuyến cáo nông dân nên ưu tiên sử dụng những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất và chất lượng tốt, thích hợp tốt với điều kiện của từng địa phương, có sức đề kháng tốt với sâu bệnh hại để gieo trồng như: OM18, OM5451, OM4900, Đài Thơm 8, ST5, ST24, ST25... Đồng thời, phải vệ sinh đồng ruộng và làm đất theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt ngay từ đầu vụ, kiểm soát được cỏ dại, ốc bươu vàng, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tỉa dặm. Bên cạnh đó, tùy điều kiện vùng đất và tình hình sinh trưởng, phát triển cây lúa, nông dân bón phân với liều lượng, thời điểm thích hợp theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến khích nông dân tăng cường bón bổ sung các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh ngay từ đầu vụ với liều lượng 150 - 200 kg/ha nhằm cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, tăng khả năng hấp thụ phân bón, giúp phân giải lân ở dạng khó tiêu chuyển hóa thành dạng lân dễ tiêu, dễ hòa tan để cây lúa có thể hấp thụ được. Bón phân cân đối N - P - K (đạm - lân - kali), tránh bón thừa (nhất là phân đạm), bón đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách, đúng thời tiết mùa vụ để tránh lãng phí.
Nông dân cũng nên sử dụng giống lúa xác nhận 1 để gieo sạ, sạ thưa, sạ hàng với lượng giống gieo sạ không vượt quá 120 kg/ha, giúp cây lúa đủ không gian sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, từ đó tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc. Bên cạnh đó, áp dụng đồng bộ các giải pháp canh tác kỹ thuật tiên tiến như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tưới tiết kiệm nước theo phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ” nhằm giảm chi phí trong sản xuất.
Nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện các đối tượng dịch hại và có biện pháp phòng trị kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc hóa học độc tính thấp, an toàn cho thiên địch và môi trường; chỉ phun thuốc khi đối tượng dịch hại ở ngưỡng phòng trị và chỉ phun khi thật sự cần thiết theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn kỹ thuật.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, đối với những vùng có điều kiện sản xuất lúa khó khăn do không chủ động được nguồn nước tưới, thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dẫn đến chi phí đầu tư sản xuất cao, năng suất thấp, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất để hạn chế rủi ro. Năm 2022, tỉnh dự kiến chuyển đổi trên 1.300ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.