11/08/2020 16:27
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers (bìa trái) giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.
Mới đây, từ nguồn kinh phí tài trợ của Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) hơn 2,1 tỷ đồng và nguồn ngân sách tỉnh đối ứng gần 1,2 tỷ đồng, 06 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh được hỗ trợ lắp đặt 10 hệ thống giám sát côn trùng thông qua điện thoại thông minh.
Cụ thể, các hệ thống này được lắp đặt tại xã Huyền Hội và Mỹ Cẩm (huyện Càng Long), Phong Phú và Phong Thạnh (huyện Cầu Kè), Phú Cần và Tập Ngãi (huyện Tiểu Cần), Tân Sơn và Tân Hiệp (huyện Trà Cú), Trường Thọ (huyện Cầu Ngang) và xã Đa Lộc (huyện Châu Thành). Mô hình do Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers (Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh) nghiên cứu, cung cấp máy móc thiết bị và hướng dẫn nông dân thực hiện.
Đây là hệ thống giám sát côn trùng thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ bảo vệ thực vật, với mức độ chính xác rất cao. Các trạm giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo, thu hút dẫn dụ côn trùng bằng dải ánh sáng thích hợp (có thể điều khiển được bước sóng ánh sáng), thu thập dữ liệu hình ảnh côn trùng bằng camera và truyền tải hình ảnh ghi nhận về trung tâm phân tích dữ liệu. Hệ thống phần mềm giám sát ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển trên nền internet vạn vật, đặc biệt ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phân tích, nhận dạng và thống kê số lượng sâu rầy. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo duy trì vận hành liên tục trên các địa hình triển khai diện rộng như ruộng lúa, khu trồng trọt canh tác diện tích lớn…
Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) cho biết, trước đây, việc giám sát côn trùng dựa vào hệ thống bẫy đèn truyền thống, sử dụng ánh sáng thông thường khó thu hút côn trùng; đặc biệt, vào mùa mưa, việc theo dõi côn trùng rất khó khăn. Hệ thống giám sát côn trùng thông minh nhận dạng được chính xác số lượng, chủng loại côn trùng vào đèn. Từ đó giúp đơn vị chuyên môn kiểm soát, dự đoán dịch hại để đề ra các giải pháp quản lý, ngăn chặn, phòng trừ trên phạm vi toàn tỉnh.
Trà Vinh là tỉnh thứ 3 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng hệ thống giám sát côn trùng (sau tỉnh Sóc Trăng và Đồng Tháp). Khi đưa vào sử dụng, hệ thống giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản, giảm ô nhiễm môi trường từ hóa chất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững và an toàn trước thách thức của điều kiện biến đổi khí hậu.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Dân Tiến (huyện Cầu Kè) được lắp đặt hệ thống giám sát côn trùng trên đồng ruộng khoảng 03 tuần nay. Theo ông Trần Quốc Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Dân Tiến, giám sát côn trùng thông qua điện thoại thông minh giúp người trồng lúa khá nhàn rỗi, không trực tiếp ra đồng vẫn có thể theo dõi được các loại dịch hại trên cây lúa, như rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá… để phòng, trị kịp thời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.
HTX nông nghiệp Dân Tiến được thành lập năm 2012, hiện có 58 thành viên sản xuất lúa trên diện tích 45,5ha. Được biết, đây không phải là lần đầu HTX ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất. Từ vụ lúa thu - đông năm 2017, HTX đã áp dụng quy trình canh tác thông minh. Đây cũng là mô hình được Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers thực hiện thử nghiệm thành công trên diện tích trồng lúa 4ha, với kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng; trong đó, AMD Trà Vinh hỗ trợ không hoàn lại hơn 1,7 tỷ đồng, số tiền còn lại do Công ty đối ứng.
Khác với canh tác theo kiểu truyền thống, khi thực hiện quy trình canh tác lúa thông minh ở khâu làm đất, máy cày tích hợp phun vi sinh giúp phân hủy nhanh rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Máy cấy tích hợp 03 khâu cùng lúc: vừa cấy, vừa vùi phân bón thông minh, vừa phun thuốc diệt cỏ và ốc bươu vàng chỉ một lần vào gốc lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch.
Điểm nổi bật của quy trình này là ngoài việc sử dụng phân bón thông minh, ruộng lúa còn dùng ứng dụng cảm ứng độ mặn, mực nước và bơm nước thông minh để quản lý nước theo quy trình ngập, khô xen kẽ; đồng thời phun thuốc phòng trừ sâu bệnh qua hệ thống máy bơm có gắn bo mạch kết nối với điện thoại thông minh điều khiển từ xa, không cần người phải trực tiếp có mặt trên đồng ruộng. Đến kỳ thu hoạch, lúa hàng hóa được tích hợp mã vạch QR và GS1 cho truy xuất nguồn gốc.
Kết quả cho thấy mô hình giảm giá thành và tăng lợi nhuận đáng kể. Cùng với hiệu quả giảm chi phí sản xuất, giúp nông dân đỡ vất vả và tăng thu nhập, quy trình canh tác lúa thông minh còn giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Từ thành công của mô hình, đến vụ đông - xuân 2019-2020, HTX Dân Tiến đã mở rộng diện tích sản xuất lúa theo quy trình thông minh lên gần 40ha.
Thêm một mô hình mà HTX nông nghiệp Phú Cần (huyện Tiểu Cần) áp dụng từ năm 2018 rất tiện lợi cho nông dân là hệ thống quản lý trạm bơm, nước canh tác và sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi, điều khiển. Mô hình cũng do Dự án AMD tài trợ kinh phí và Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers nghiên cứu, cung cấp thiết bị và hướng dẫn nông dân thực hiện.
Ông Thạch Xê, thành viên HTX nông nghiệp Phú Cần cho biết, hệ thống này có cảm biến đo được mực nước và độ phèn, mặn, thông qua điện thoại thông minh. Dù đang ở đâu, làm gì thì nông dân cũng biết được mực nước của ruộng, độ mặn, phèn để điều khiển việc bơm nước vào ruộng cho phù hợp. Nhờ vậy, thời điểm mặn gay gắt, diện tích lúa của gia đình ông cũng không bị ảnh hưởng nhiều, chi phí bơm tát cũng ít hơn. Nông dân chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại là có thể cập nhật, theo dõi và điều khiển nước tưới cho ruộng lúa của mình.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tỉnh ủy Trà Vinh vừa xây dựng kế hoạch cụ thể hóa với nhiều nhiệm vụ và giải pháp; trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp 4.0. Bởi Trà Vinh là tỉnh có nền kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, với trên 180.000ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 78% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành trang trại thông minh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng internet vạn vật, hệ thống cảm biến, robot để quan trắc môi trường nước, khí tượng- thủy văn; quản lý côn trùng, sâu rầy, dịch hại; giám sát các thông số hóa - lý đồng ruộng, chuồng trại, truyền dữ liệu về trung tâm xử lý để hỗ trợ chủ trang trại quản lý từ xa, ra quyết định kịp thời nhằm tối ưu hiệu quả chăm sóc đến từng cây trồng, vật nuôi.
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; nghiên cứu chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các mô hình sản xuất thông minh để tạo sự đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.