01/12/2021 07:47
Trà Vinh có 02 làng nghề hoa kiểng tập trung ở xã Long Đức và Phường 4, thành phố Trà Vinh. Hàng năm, số lượng hoa kiểng cung cấp thị trường ngoài tỉnh khá lớn, đem lại nguồn thu lớn cho các hộ trồng hoa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ hoa kiểng của 02 làng nghề này dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhà vườn thất thu.
Nông dân Nguyễn Văn Nam, ấp Long Bình, Phường 4 ghép nhân giống hoa giấy cẩm thạch.
Những năm trước, vào những ngày giáp Tết, dạo quanh các làng nghề hoa kiểng trên địa bàn thành phố Trà Vinh, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh của người trồng hoa tất bật vô phân chậu, xuống giống, chăm sóc hoa kiểng chuẩn bị cho mùa vụ hoa Tết. Bởi vụ hoa Tết là vụ hoa chính trong năm đem lại nguồn lợi nhuận cao gấp đôi so với những tháng thường. Tuy nhiên, không khí tại các làng hoa năm nay kém sinh động, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đầu ra tiêu thụ khó khăn, người trồng hoa thất thu nên hầu như không mặn mà chuẩn bị xuống giống thêm các loại hoa ngắn ngày phục vụ Tết.
Đến thăm làng hoa Long Bình, Phường 4, thành phố Trà Vinh là nơi hội tụ nhiều giống hoa và cây cảnh, nổi tiếng là hoa giấy. Mặc dù năm nay người trồng hoa thất thu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng hoa giấy với lợi thế thời gian chăm sóc dài từ 04 - 05 tháng cho thu hoạch, cây nào có thế, dáng đẹp, người trồng hoa cắt tỉa, tạo thế đứng và kéo dài thời gian chăm sóc từ 01 - 02 năm sẽ bán được giá cao. So với hoa cúc, vạn thọ, thì hoa giấy chiếm ưu thế hơn bởi thời gian sinh trưởng kéo dài. Dù tiêu thụ hoa giấy năm nay khó khăn, làm giảm thu nhập của người trồng hoa nhưng hoa giấy có thể bán được vào năm sau.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nam, ấp Long Bình cho biết: từ đầu năm 2021 đến nay, bị ảnh hưởng dịch bệnh nên 1.500 chậu hoa giấy các loại của gia đình chỉ bán được 50 chậu hoa, giá bán từ 150.000 - 250.000 đồng/chậu. Hàng năm, vào thời điểm này thương lái ở các tỉnh đến tuyển chọn thu mua hết các loại hoa giấy đẹp, chỉ còn lại những chậu hoa chậm phát triển, ông bón phân thúc chăm sóc kỹ để bày bán ở chợ hoa. Không chỉ vậy, kết thúc vụ hoa giấy ông còn tranh thu xuống giống hoa vạn thọ, cúc để bán và dịp Tết. Do nguồn tiêu thụ hoa giấy gặp nhiều trở ngại nên cả năm nay ông tập trung nghiên cứu ghép hoa giấy cẩm thạch với nhiều màu sắc khác nhau nhằm thu hút khách hàng.
Theo ông Nam, thị trường hoa kiểng năm nay không chỉ tiêu thụ khó khăn, chi phí đầu tư tăng cao từ 30 - 50%, nhất là phân bón các loại tăng gần gấp đôi. Thêm vào đó, cơn mưa liên tục cuối mùa vừa qua làm cho hoa giấy rụng lá, ông tốn thêm khoản chi phí để bón phân kích thích cho hoa ra lá và cắt tỉa cành để phục hồi kịp thị trường Tết. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên việc tiêu thu hoa kiểng ngoài tỉnh sẽ càng khó khăn. Với lượng hoa lớn hiện tại của gia đình không xuất bán được, ông hy vọng các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện sắp xếp, bố trí chợ hoa vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa giúp người trồng hoa tiêu thụ hoa kiểng để có thêm nguồn thu nhập vào dịp Tết.
Nông dân Nguyễn Thành Phước, ngụ cùng ấp cho biết thêm: kinh tế của người dân tại làng nghề này chủ yếu dựa vào nghề trồng hoa kiểng, năm nay hầu hết người trồng hoa đều bị thất thu nặng, lỗ công chăm sóc cả năm mà không xuất bán được. Với 3.000 chậu hoa giấy, hoa tuyết sơn, hoa trang,… của gia đình ông năm nay bị thua trắng không bán được chậu nào. Tâm huyết dồn sức chăm sóc cả năm hy vọng sau giãn cách xã hội có thể xuất bán để chuẩn bị xuống giống các loại hoa ngắn ngày như hoa cúc, vạn thọ, hướng dương để bán Tết, nhưng dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên mọi kế hoạch sản xuất hoa kiểng bán Tết của ông ngừng lại. Với tình trạng này, không chỉ riêng ông, người trồng hoa tại làng nghề hy vọng được tham gia bày bán tại chợ hoa để kiếm thêm thu nhập vào dịp cuối năm và giải quyết đầu ra hoa kiểng hiện có.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 4 cho biết: hiện toàn phường có 75 hộ trồng hoa với 80ha tập trung ở làng hoa Long Bình, phần lớn là hoa giấy, mang lại nguồn thu lợi nhuận từ 100 - 500 triệu đồng/hộ/năm. Những năm gần đây, thị trường ưa chuộng hoa giấy ghép các loại nên nhiều nông dân tập trung nghiên cứu ghép thành công và nhân nhiều loại giống hoa giấy cẩm thạch với nhiều màu sắc khác dần thay thế các loại hoa giấy truyền thống. Hàng năm, trên địa bàn sản xuất khoảng 130.000 chậu hoa cung ứng thị trường trước và trong dịp tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ hoa kiểng chậm, chi phí tăng cao, người trồng hoa thất thu. Hiện nay, làng hoa sẵn sàng có khoảng 100.000 chậu hoa đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm 30.000 - 40.000 chậu so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm do thời điểm này, số lượng hoa giấy hiện chưa xuất bán nên người trồng hoa không có đất trống để trồng các loại ngắn ngày để phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Tuy dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng những hộ có diện tích lớn đã chủ động xuống giống khoảng 20.000 chậu hoa cúc, vạn thọ để phục vụ Tết.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.